Tập Đoàn Họ Nguyễn
HỆ THỐNG KẾT NỐI CÁC TRANG TIN CỦA HỌ NGUYỄN VIỆT NAM
  Trang tin này được lập ra với mục đích duy nhất là kênh kết nối với các trang chi tộc Nguyễn Việt Nam. Tìm hiểu lịch sử cội nguồn, ca ngợi những giá trị, công lao, tấm gương của anh linh tiên tổ, của các bậc tiền nhân từ đó tạo sự kết nối và hiểu biết thế sự về dòng họ Nguyễn cho hậu thế. Không mục đích chính trị, kinh doanh, vụ lợi. Với tất cả sự nhiệt tâm của ban quản trị... Trong quá trình xây dựng có thể còn sai sót , không phù hợp hoặc chưa đầy đủ, Ban quản trị rất mong bạn đọc thiện nguyện, nhiệt tình, đồng tâm góp ý, cung cấp các thông tin, bài viết, các tư liệu và địa chỉ của các trang chi tộc cùng chung sức với chúng tôi để bổ xung, chỉnh sửa cho trang kết nối của dòng họ Nguyễn được hoàn thiện hơn. Chân thành cảm ơn!   ..

TÌM VỀ VIỆT TỘC (Phần 2)

Thứ tư - 08/05/2019 23:07

TÌM VỀ VIỆT TỘC (Phần 2)

TÌM VỀ VIỆT TỘC (Phần 2)

TÌM VỀ VIỆT TỘC (Phần 2)

 

Nam tiến trong triều Nguyễn.
Với bia đá khắc trên đỉnh núi Đá Bia hay Thạch Bì ở Tuy Hòa, tưởng như cuộc xung đột Chiêm Việt chấm dứt từ đấy, mà đường Nam Tiến của dân Việt cũng dừng. Nào ngờ xẩy ra việc Nam Bắc phân tranh trong lịch sử Việt Nam, Nguyễn, Trịnh tị hiềm quyền Chúa, vua Lê chỉ còn hư vị tượng trưng cho đơn vị dân tộc thống nhất bất phân, chúa Nguyễn vào Nam, chúa Trịnh đất Bắc. Nhưng chính có sự phân tranh ấy mà cuộc Nam Tiến càng được thúc đẩy .
Năm chính trị thứ nhất triều Lê Anh Tông (1558), Nguyễn Hoàng vào trấn Thuận Hóa, những người làng Tống Sơn với quân nghĩa dũng Thanh, Nghệ đem cả gia đình đi theo. Về sau mỗi khi ra đánh phương Bắc thì dân Nghệ Tĩnh lại theo vào khai khẩn đất ở phương Nam, sinh tụ ở đất Chiêm Thành. Từ đó về sau nhân đinh thêm trù phú, điền địa mở mang, chả mấy chốc mà đất Thuận, Quảng trở nên một cõi cường thịnh. Trước khi mất, Nguyễn Hoàng trối lại hoàng tử rằng: "Đất Thuận, Quảng phía Bắc có núi Hoành Sơn và sông Linh Giang hiểm trở, phía Nam có núi Hải Vân và Thạch Bì vững bền. Núi sẵn vàng, sắt, biển có cá, muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng. Nếu biết dạy dân, luyện binh để chống chọi với họ Trịnh thì đủ xây dựng cơ nghiệp muôn đời. Ví bằng thế lực không địch được, thì cố giữ vững đất đai để chờ cơ hội, chứ đừng bỏ qua lời dặn của ta". (Thực lục Tiền biên)

Như thế là Nguyễn Hoàng quyết chí mở nước ở miền Nam, dựng cơ sở để quyết thống nhất sơn hà, đánh đổ họ Trịnh ngoài Bắc. Như chúng ta đã thấy vua Lê Thánh Tông đã cắm biên giới phía Nam tại Tuy Hòa, đến đảo Cù Mông mà thôi. Từ Tuy Hòa trở xuống còn là đất Chiêm Thành. 
Năm 1578 Nguyễn Hoàng đã lấy đất Phú Yên, nhưng năm 1653 vua Chiêm Thành là Bá Tầm lại đem quân quấy nhiễu nên chúa Hiền (Nguyễn Phúc Tần) sai Hùng Lộc vào dẹp, tiến quân qua núi Thạch Bì, lấy đất đến sông Phan Rang làm giới hạn, mở thêm hai phủ Thái Khang (Ninh Hòa) và Diên Ninh (Diên Khánh). Chúa cho Hùng Lộc trấn giữ, bắt Chiêm Thành giữ lệ cống .
Đến năm 1692 vua Chiêm Thành là Bà Tranh bỏ không tiến cống, Chúa Nguyễn Phúc Chu sai Tổng binh Nguyễn Hữu Kính đi đánh, bắt được Bà Tranh và Thần tử với thân thuộc đem về Phú Xuân, Chúa đổi Chiêm Thành làm trấn Thuận Thành, đặt quan cai trị. Rồi lại đổi làm Bình Thuận, cho thân thuộc của Bà Tranh làm chức Khám Lý, ba người 
con làm Đề đốc, lại bắt thay đổi y phục theo Việt Nam để phủ dụ dân Chiêm. Đến năm 1697 Chúa lại đặt phủ Bình Thuận, lấy nốt đất Phan Rí, Phan Rang của Chiêm Thành làm huyện Yên Phúc và Hòa Đa. Từ đấy nước Chiêm Thành mất hẳn, tuy vẫn còn vua Chiêm nhưng vô quyền .
Lấy xong nước Chiêm Thành, công việc Nam Tiến của Việt Nam chưa xong, vì xứ này không có đất phì nhiêu đủ cho một nước nông nghiệp thịnh vượng để đương đầu với Chúa Trịnh ở Trung châu Bắc phần. Cho nên đồng bằng lưu vực Cửu Long mới chính là mục tiêu cho Chúa Nguyễn.
Nam Phương đây là đất Thủy Chân Lạp với Lục Chân Lạp là một nước thịnh vượng văn hiến, từ thời Lý đã từng cho sứ thần ra cồng hiến ở Thăng Long. Đất rộng phì nhiêu, thuần đồng bằng sông Cửu Long, người thưa, chính là đất cho dân nông nghiệp, miền Trung núi non, ít đất cầy cấy. Bởi thế nên khoảng thế kỷ XVII, Chúa Sãi (Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) đã kết thân với Chúa Chân Lạp bằng mối tình dâu gia, công chúa Ngọc Vạn lấy vua Chân Lạp là Chey Chetta II (1618-1626). 
"Chey Chetta II sống từ nhỏ cho đến lớn ở tại nước Xiêm, nhưng không có vẻ giữ một kỷ niệm tối hảo đối với Xiêm, bởi vì, vừa lên ngôi ông đã tìm liên lạc ngay với những láng giềng phía Đông tức là người Việt của Chúa Nguyễn. Mà Chúa Nguyễn bấy giờ, đang hoàn thành cuộc chinh phục Chiêm xây dựng Nam Việt thay thế. Chúa Nguyễn rất vui sướng được thấy người láng giềng là nước Chân Lạp cầu thân với mình, Chúa Nguyễn bèn gả công chúa cho vua Chân Lạp. Truyền rằng nàng công chúa này rất đẹp, biết chiều chồng, được chồng yêu quý, lập làm Hoàng Hậu. Người Việt bấy giờ đã thành thân hữu và đồng minh của người Chân Lạp. Nhờ có sự giúp đỡ của những đồng minh mới ấy, vua Chân Lạp đã hai lần chiến thắng những cuộc tấn công của quân Xiêm (Thái Lan) vào năm 1621 và 1623 .
“Từ năm 1623 sứ thần dâng lễ vật trọng hậu lên vua Cam Bốt ở kinh đô Ou Đông, để nhân danh Chúa Nguyễn xin phép cho dân Việt làm ruộng và buôn bán được định cư ở trên đất này (mà ngày nay là Sai Gòn), lúc bấy giờ là miền cực Nam Cam Bốt. Hoàng Hậu can thiệp với chồng để sự được nhà vua ưng thuận.
(Henri Russier "Histoire Sommaire du Royaume de Cambodge", dẫn ở Văn Hóa số 43)
Xem thế đủ thấy chính sách ngoại giao thân thiện mở đầu đã làm cho việc di dân vào Chân Lạp thành công mỹ mãn. Ngoài ra lại còn những cơ hội thuận lợi đưa đến, như nội bộ Cam Bốt lục đục, thêm phía Tây luôn bị Xiêm đe dọa thôn tính, khiến cho phải cầu viện sự bảo trợ của Việt Nam. Sinh lực dân tộc Chân Lạp vì thế mà suy nhược so với sinh lực dân tộc Việt Nam đang còn dẻo dai phấn khởi trên đường Nam Tiến mới lạ.
Hơn nữa nhà Minh cũng đang mất nước cho Mãn Thanh, các chiến sĩ Minh ưu tú phẫn uất bỏ đi tìm tự do độc lập ngoài. Bấy giờ có Trấn Thủ Quảng Đông là Dương Ngạn Địch với Phó Tổng Binh Hoàng Tiến, Tổng Binh Cao Châu, Lôi Châu, Liêm Châu là Trần Thượng Xuyên, Phó Tổng binh là Trần An Bình đem 3.000 quân và 50 chiến thuyền chạy thẳng vào Tư Hiền và Đà Nẵng xin làm thần dân Chúa Nguyễn. Chúa dung nạp bọn họ, cho bọn Dương Ngạn Địch ở Mỹ Tho, Trần Thượng Xuyên ở Biên Hòa, khai khẩn và thiết lập phố phường buôn bán, thuyền buôn của người Thanh và các nước phương Tây, Nhật Bản, Java đi lại thông thương phồn thịnh. Do đấy mà văn hóa Hán thấm nhuần vào đất Đông Phố thay thế, cạnh tranh với văn hóa Ấn, mà đất Chân Lạp càng sớm biến thành Việt Nam. Người Trung Quốc, người Khmer, người Chiêm hợp hóa cả vào Việt tộc, nói tiếng Việt. Đồng thời với tướng Minh, Dương Ngạn Địch chạy sang Quảng Nam thần phục, lại cũng có di dân nhà Minh là Mạc Cửu, không chịu làm tôi nhà Thanh, tránh sang ở Chân Lạp làm chức Ốc Nha ở đất Sài Mạt trên bờ vịnh Tiêm La, nơi giao thông tấp nập. Ông chiêu mộ dân xiêu bạt đến Phú Quốc, Cần Bột, Gia Khê, Luống Cầy, Cà Mâu, lập thành 7 xã thuộc tỉnh Hà Tiên, đắp thành lũy chống giữ quân Xiêm, mở đạo lộ, đặt thị trường khuyếch trương Hán học, giáo hóa nhân dân, làm cho Hà Tiên nổi tiếng văn vật ở góc trời Nam hẻo lánh trong vịnh Xiêm La vậy.
Hà Tiên phồn thịnh đã trở nên vật thèm muốn của Xiêm La và Cam Bốt, một đàng muốn cướp lấy, một đàng muốn đòi lại. Nhưng họ Mạc đã lựa chọn sát nhập vào triều đình Việt Nam bấy giờ như thần dân, năm 1739 Chân Lạp định chiếm lại Hà Tiên, Chúa Võ Vương sai Nguyễn Cư Trinh sang đánh vua Chân Lạp, Nặc Nguyên bỏ chạy, xin nộp đất cầu hòa. Đất ấy là Gia Định, Gò Công và Tân An bây giờ.
Năm 1756 Nặc Tôn chạy sang Hà Tiên nhờ Mạc Thiên Tích nói với Chúa Nguyễn xin giúp đỡ. Võ Vương sai Thiên Tích đưa Nặc tôn về Chân Lạp làm vua. Năc Tôn dâng đất phía Bắc sông Bas sac, tức là Vĩnh Long, Sa Đéc, Tân Châu, Châu Đốc ngày nay. Nặc Tôn đền ơn Thiên Tích 5 phủ, Thiên Tích đều đem dâng cho Chúa Nguyễn, cho sát nhập vào Hà Tiên, dưới quyền họ Mạc bấy giờ gồm từ Căn Bốt cho đến Cà Mâu .
Đến đây dân tộc Việt đã mở rộng lãnh thổ, từ Nam Quan phương Bắc cho đến vịnh Xiêm La phương Nam. Nhưng chiếm được đất là một việc, còn giữ được đất và có dân lại là một việc. Đấy là cả một chính sách thuộc về khả năng của dân tộc. Jules Sion, trong sách “L'Asie des Moussons – Géographie Universelle”có nhận thấy rằng “Cuộc bành trướng dân Việt là một sự đồng hóa thật sự. Tính chất đó giải thích vì sao người Việt bành trướng chậm, nhưng rất chắc chắn. Cao Miên và Lào quốc đánh nhau chỉ đem quân cướp lấy tù binh đem về làm nô lệ, lại có một giai cấp quí tộc thống trị, cho nên có cướp được đất cũng dễ mất ngay. Mục đích của người Việt lại khác, họ không cần bắt nô lệ, họ làm lấy. Đối với họ, thắng trận không phải là để có người làm, mà là để có đất cày. Nhiều khi chiến tranh chỉ là để xác nhận một tình thế đã rồi. 
Dân Việt bành trướng một cách ôn hòa, sinh cơ lập nghiệp rồi sau binh lính mới tới. Trước khi sát nhập đất Nam Kỳ về mình, người Việt đã lập ở đấy những tổ chức, những đám di dân, đã xây dựng làng xóm hay là tới ở chung với người Miên, rồi lần lần nắm lấy chính quyền. Cuộc bành trướng thực hành bằng cách đưa đến những đám người liên tiếp, đủ các hạng, dân cày không có ruộng, tù tội, kẻ chống đối chế độ hay là quân cướp muốn chuộc tội. Cũng có khi chính phủ thu thập những người đó rồi đưa xuống những miền mới chiếm lãnh hay là lập đồn điền nơi biên thùy để phòng bị lân bang tới đánh. Những đám người ấy có quan lại cai trị và họ lập thành làng mạc.
“Cuộc bành trướng của các đám bình dân Việt đã là sức mạnh của Việt Nam. Cuộc di dân đã biến hóa xứ Nam Kỳ thành hoàn toàn Việt Nam cũng như đất Bắc Kỳ. Ngay dưới mắt ta trong cảnh thái bình cuộc bành trướng ấy vẫn tiếp tục khắp đất Cam Bốt và đất 
Lào". Và nhà cổ học Aurousseau cũng kết luận bài khảo cứu công phu của ông về cuộc di dân vĩ đại của Việt tộc từ sông Dương Tử xuống vịnh Xiêm La: “Những yếu tố, những sức mạnh có thể tiêu diệt được một nước mới thành lập đều vô hiệu trước sức sống mãnh liệt của người Việt. Dân tộc Việt chiếm cứ các đồng bằng Bắc Việt ngay từ cuối thế kỷ thứ III TCN. Xã hội Việt Nam trở nên thịnh vượng tại đấy. Lần lần các làn sóng di dân tiếp tục tràn lan mãi xuống phía Nam, để tới một điểm xa nhất trên đường bành trướng mà người Bách Việt khởi từ thế kỷ thứ IV trước Tây nguyên .
“Người Việt tới Trung Việt ngay cuối thế kỷ sau, ở đây dân tộc Chiêm Thành chặn họ lại một thời gian khá lâu. Nhưng người Việt vẫn giữ được cái đà bành trướng như một sức mạnh âm ỷ, và sau một cuộc tiến triển, sau nhiều năm chinh chiến, họ đã thắng Chiêm vào năm 1471 để tiến mãi về phía Nam, tới Quy Nhơn cuối thế kỷ XV, tới Sông Cầu 1611, tới Phan Rang 1653, tới Phan Thiết 1697, tới Saigon 1698, tới Hà Tiên 1714. Cuối cùng trong nửa đầu thế kỷ XVIII, người Việt đã hoàn toàn cuộc bành trướng của dân tộc và chiếm trọn đất Nam Kỳ hiện thời”. Một đặc tính trọng yếu nhất trong cuộc bành trướng ấy là Việt tộc trước sau vẫn giữ được dân tộc tính thuần nhất Việt Nam, đến nỗi người Lào, người Chiêm, người Trung Quốc, người Minh, người Miên thảy đều Việt hóa. Đại Úy Gosselin trong sách L'Empire d'Annam “đứng trước thực trạng ấy cũng phải kinh ngạc. Hết thảy các sử gia có nhiệt tâm tìm sự thật đều phải công nhận rằng “Khi đặt chân đến đất Việt, người Pháp đã phải đụng chạm với một dân tộc thống nhất một cách không thể ngờ tới được, từ miền Cao nguyên Thượng du Bắc Việt cho tới biên giới Cam Bốt, thống nhất về mọi phương diện, nhân chủng cũng như chính trị và xã hội". Cái dân tộc tính đặc sắc Việt Nam mà các học giả Pháp quan sát tại chỗ đã nhận thấy là thành quả của chính sách di dân khôn khéo, có phương pháp, đường lối, mà Nguyễn Cư Trinh (1715-1767) đã trình bày lên Chúa Nguyễn Phúc Khoát trong một bài sớ rằng: “Từ xưa việc dụng binh chẳng qua trừ kẻ cầm đầu mà mở mang đất được. Nay Nặc Nguyên đã hối lỗi nộp đất xin hàng, nếu tìm mãi chỗ giả dối của nó, thì nó chạy trốn. Thế mà từ Gia Định đến thành La Bích đường sá xa xôi, không tiện đuổi đến cùng. Muốn mở mang đất đai nên trước hết hãy lấy hai phủ này để củng cố mặt sau cho hai doanh trại. Nếu bỏ gần cầu xa, e rằng hình thế cách trở, quân dân không tiếp xúc, lấy được tuy dễ mà giữ được thực khó. Năm xưa mở mang Gia Định tất phải trước hết mở đất Hưng Phúc, rồi đến Đồng Nai, khiến cho quân dân đông đủ rồi sau mới đến Saigon. Đó là kế “Tằm thực” (tằm ăn dâu). Nay đất cũ từ Hưng Phúc đến Saigon chỉ hai ngày đường, dân cư còn chưa yên ổn, quân giữ cũng còn chưa đủ. Huống chi từ Saigon đến Tầm Bôn, xa sáu ngày đường, địa thế rộng rãi, dân số đến vạn người, quân đóng giữ thật sợ chưa đủ. Thần xem người Côn Man giỏi thuật bộ chiến, người Chân Lạp cũng đã e sợ. Nếu cho họ ở đất ấy để họ chống giữ, lấy người Man đánh người Man (dĩ Man công Man) cũng là đắc sách. Vậy xin cho Chân Lạp chuộc tội, lấy đất hai phủ ấy ủy cho Phiên Thần xem xét tình thế, đặt thành đóng quân, chia cấp ruộng cho quân lính và nhân dân, vạch rõ biên giới cho lệ vào châu Định Viễn để thu lấy toàn khu. Chúa liền y theo”.
(Đại Nam Thực lục Tiền biên)
Với chính sách “Tằm thực” và “Dĩ Man công Man” của họ Nguyễn trên đây, thêm vào cái sinh lực mãnh liệt của Việt tộc nhờ truyền thống tín ngưỡng khai phóng vừa hiện thực vừa siêu nhiên, hợp nhất Đạo với Đời, cho nên trên đường Nam Tiến đã thành công, dân Việt đến đâu mọc rễ ở đấy mà sức Việt hóa không gì cản nổi vậy.
Cội nguồn Tộc Việt
Những nghiên cứu mới nhất gần đây của các nhà khoa học Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ …đựa trên công nghệ gen đã đi đến kết luận về cội nguồn người Việt như sau: 
Sau khi từ Ðông Phi thiên di tới Trung Ðông, người Homo Sapiens rời Trung Ðông vượt qua Pakistan, Ấn Ðộ rồi theo bờ biển Nam Á đặt chân đến miền Trung và miền Bắc Việt Nam khoảng 60 đến 70.000 năm trước. Trong khoảng 10.000 năm dừng chân tại đây, hai đại chủng người tiền sử là Mongoloid và Australoid đã hòa huyết tạo thành hai nhóm loại hình Indonesien và Melanesien cùng một số loại hình chuyển tiếp giữa chúng đồng thời mở rộng địa bàn cư trú ra khắp lục địa Ðông Nam Á. 
Khoảng 40.000 năm trước, khi băng hà tan, một nhóm người Mongoloid sống biệt lập tại phía Tây Bắc Ðông Nam Á, không có sự hòa huyết với người Australoid, di cư lên phía Bắc theo con đường qua đất Ba đất Thục lên sống ở miền Tây Bắc Trung Quốc thành chủng Mongoloid phương Bắc. 
Cùng thời gian đó, nhiều nhóm người Inđonesien, Melanesien di chuyển lên phía Bắc theo con đường duyên hải. Dần dần lan tỏa ra khắp lục địa Trung Hoa và một bộ phận lên tới Siberia rồi vượt eo Bering sang châu Mỹ. Những nhóm người gốc Ðông Nam Á này tạo thành một cộng đồng mà sử sách gọi là Bách Việt. Đây là cuộc di thứ nhất của “người Việt”. Trong hàng vạn năm sống ở đây, người Bách Việt sáng tạo nên nền nông nghiệp lúa nước, chế tác công cụ đá, đồ gốm rồi đồ đồng, sắt. Người Lạc Việt, nhóm chủ đạo trong dòng Bách Việt lấy vùng Thái Sơn tỉnh Sơn Ðông làm trung tâm. Người Bách Việt bắt đầu hình thành quốc gia lỏng lẻo và tôn Thần Nông là ông vua dạy họ trồng ngũ cốc. Cũng thời gian này, những người ở lại Ðông Nam Á sáng tạo tại quê hương mình nền nông nghiệp lúa. Người Hán, đúng hơn là người Hoa Hạ được “lai tạo” giữa chủng Mongoloid phương Bắc và người Bách Việt.
Về sau người Hán xâm chiếm lãnh thổ của người Bách Việt. Do sự truy đuổi dữ dội của người Hán, một bộ phận người Lạc Việt, Mông Cổ phương nam di cư ồ ạt trở lại lục địa cũng như vùng hải đảo Ðông Nam Á. Người H’mông-Dao, người Thái-Tày, người Tạng-Mianma...cũng đã trở về như vậy. Người Lạc Việt lại tìm về đúng nơi tổ tiên họ đã ra đi. Người Thái tìm về đất Thái gặp lại bà con xa xưa của mình... Những người Mông Cổ phương Nam trở về tạo nên cuộc hòa huyết làm loại hình Indonesien, Melanesien bản địa chuyển nhanh sang loại hình Ðông Nam Á. Sự chuyển hóa đó diễn ra tập trung trên toàn bộ Ðông Nam Á. Chính điều này là nguyên nhân chủ yếu tạo nên bản đồ nhân chủng Ðông Nam Á hiện đại. 
Giai đoạn đầu là cuộc Bắc tiến của người người Inđonesien, Melanesien mang theo rìu đá, giống lúa, khoai sọ, giống gà, giống chó đi mở mang khai thác lưu vực sông Hoàng Hà và Dương Tử. Giai đoạn này bị chìm trong bụi thời gian, không được sử sách biết đến, chỉ còn lại ít nhiều dư âm trong truyền thuyết và huyền sử. Giai đoạn này cả Hoa Hạ và Bách Việt đều bị “Đông Nam Á hóa”
Giai đoạn hai, khi bị kẻ xâm lấn xua đuổi, người Lạc Việt lại trở về mái nhà xưa, trở lại quê gốc của mình. Tuy là cuộc thua chạy nhưng lớp người Ðông Nam Á mới đã đem về vốn genes làm chuyển hóa nòi giống cùng với những kinh nghiệm và tri thức mới để xây dựng quê hương. 
Chính cuộc “trở về ngôi nhà xưa” hay còn gọi là Nam Tiến này đã tránh cho người Việt bị đồng hóa và đồng hóa ngược. Các tộc Việt khác đã bị Hán hóa, không những thế mà các đế chế phương bắc của Hán khi “thâm nhập” vào cũng bị “đồng hóa ngược”.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay27,974
  • Tháng hiện tại265,934
  • Tổng lượt truy cập28,059,416
Banner trai
Banner phai
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây