Tập Đoàn Họ Nguyễn
HỆ THỐNG KẾT NỐI CÁC TRANG TIN CỦA HỌ NGUYỄN VIỆT NAM
  Trang tin này được lập ra với mục đích duy nhất là kênh kết nối với các trang chi tộc Nguyễn Việt Nam. Tìm hiểu lịch sử cội nguồn, ca ngợi những giá trị, công lao, tấm gương của anh linh tiên tổ, của các bậc tiền nhân từ đó tạo sự kết nối và hiểu biết thế sự về dòng họ Nguyễn cho hậu thế. Không mục đích chính trị, kinh doanh, vụ lợi. Với tất cả sự nhiệt tâm của ban quản trị... Trong quá trình xây dựng có thể còn sai sót , không phù hợp hoặc chưa đầy đủ, Ban quản trị rất mong bạn đọc thiện nguyện, nhiệt tình, đồng tâm góp ý, cung cấp các thông tin, bài viết, các tư liệu và địa chỉ của các trang chi tộc cùng chung sức với chúng tôi để bổ xung, chỉnh sửa cho trang kết nối của dòng họ Nguyễn được hoàn thiện hơn. Chân thành cảm ơn!   ..

THƯỢNG TƯỚNG NGUYỄN HUY HIỆU - NGƯỜI ĐƯỢC SINH RA ĐỂ CHIẾN ĐẤU CHO NƯỚC NHÀ

Chủ nhật - 03/04/2016 06:36
Cậu bé chăn trâu thường vẫn chơi trò đánh trận giả với bạn bè, ôm mơ ước trở thành người chỉ huy để có thể “bài binh, dàn trận”. 18 tuổi bước vào quân ngũ để mong có thể hiện thực hóa ước mơ tuổi thơ. Thế rồi, tất cả đã trở thành hiện thực, khi 40 tuổi ông được phong hàm Thiếu tướng (trẻ nhất thời kỳ kháng chiến chống Mỹ).


Cậu bé chăn trâu ngày ấy, vị Thượng Tướng, người anh hùng, Viện sĩ khoa học quân sự ngày nay chính là Nguyễn Văn Hiệu. Vốn xuất thân từ dòng dõi Nguyễn Bặc, nên từ nhỏ cậu bé Nguyễn Văn Hiệu đã sớm bộc lộ tài chỉ huy của mình khi “điều binh, khiển tướng” những bạn bè đồng trang lứa trong các lần chơi trò đánh trận giả. Yêu thích và học giỏi nhất môn lịch sử, nên những trận đánh, những chiến công vang dội của ông cha ta đã được cậu bé Hiệu thấm nhuần vào máu và nuôi dưỡng ước mơ có ngày trở thành người chỉ huy để có thể cầm quân, đánh giặc như các bậc tiền nhân thủa trước.

Năm 1964, khi vừa tròn 17 tuổi, trong khi anh, em, bạn bè cùng quê đều xin nhập ngũ vào hải quân thì chàng trai Nguyễn Văn Hiệu lại viết đơn tình nguyện nhập ngũ và mong muốn trở thành lính lục quân để có cơ hội được trực tiếp giáp mặt, chiến đấu với kẻ thù trên chiến trường.

 

Tháng 2/1965 Nguyễn Văn Hiệu nhập ngũ, rồi được đưa về huấn luyện tân binh ở trung đoàn 812, sư 324 ở Nghi Ân, Nghi Lộc, Nghệ An. Sau đó, được đưa về chiến đấu ở Bình Trị Thiên rồi sang Lào. Tiếp đó về sư đoàn 341 quân khu 4 và trung đoàn 27 mặt trận B5.

Chiến đấu trên chiến trường cùng đồng đội từ vị trí của anh lính binh nhì, tổ 3 người, tiểu đội trưởng, trung đội trưởng, đại đội trưởng, tiểu đoàn trưởng và trung đoàn trưởng. Ở chiến dịch Hồ Chí Minh, ông chỉ huy một trong 5 mũi đánh vào giải phóng Sài Gòn. Đó là cả một quá trình khổ luyện, nỗ lực phấn đấu, học tập của chàng trai Nguyễn Văn Hiệu. Cũng chính trong môi trường quân ngũ, chiến đấu này mà Văn Hiệu đã quyết định xin đổi tên thành Huy Hiệu, với mục đích nhằm tự giáo dục, động viên và nhắc nhở bản thân phải chiến đấu, rèn luyện và học tập không ngừng nghỉ để có thể đạt được ước mơ thủa niên thiếu của mình.

Năm 1973, khi mới tròn 26 tuổi, trung đoàn phó, Nguyễn Huy Hiệu được tuyên dương anh hùng quân giải phóng Miền Nam, Việt Nam sau khi đánh xong 67 trận và đã được trao tặng 7 huân chương các loại.

Từ 1975 đến 1980, anh hùng Nguyễn Huy Hiệu được cử đi học văn hóa và ngoại ngữ ở Lạng Sơn, sau đó về đào tạo ở Học viện cao cấp (nay là Học viện Quốc phòng). Đến năm 1980, khi 34 tuổi, ông được bổ nhiệm làm Sư đoàn trưởng, sư đoàn 320B và nhận quân hàm Đại tá (nay là sư đoàn 390 Quân đoàn I).

Tướng Hiệu - Người đàn ông sinh ra để chiến đấu - ảnh 1
Năm 1983, ông được cử đi học ở Nga, một năm sau đó tiếp tục về nước công tác. Đến năm 1987, được bổ nhiệm làm Phó tư lệnh thứ nhất quân đoàn 1, sau đó là Tư lệnh quân đoàn 1, làm nhiệm vụ chiến đấu ở biên giới phía Bắc. Đặc biệt đến năm 1988, khi ở tuổi 40, ông được phong quân hàm Thiếu tướng. Vậy là, sau 23 năm kể từ ngày nhập ngũ (2/1965), mong muốn và mơ ước được trở thành vị tướng của chú bé Văn Hiệu quê Hải Hậu xưa kia đã trở thành hiện thực. Ở tuổi 40, ông là vị tướng trẻ nhất trong Quân đội lúc bấy giờ.

23 năm chiến đấu, với biết bao nhiêu kỉ niệm buồn vui, bao nhiêu cố gắng và phấn đấu không ngừng nghỉ của bản thân. Trong suốt quãng thời gian đó, với ông có nhiều cột mốc khá quan trọng.

Cột mốc đầu tiên phải kể đến là trận đánh ở Sáp Đá Mài, Tân Kim, Cam lộ, Quảng Trị. Chỉ sau 45 phút, dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Nguyễn Huy Hiệu đã tiêu diệt gọn đại đội cơ giới của Mỹ. Ở trận đánh này, ông đã chỉ Huy đưa lực lượng luồn sâu vào cục cơ giới của địch, đánh địch từ bên trong đánh ra. Sau trận đánh này từ Đại đội trưởng, ông được bổ nhiệm Tiểu đoàn trưởng. Chiến thắng này cũng góp phần vào việc đánh bại chiến thuật trâu rừng của tướng Mỹ Abraham.

Cột mốc thứ hai, đó là trận đánh táo bạo giữa ban ngày, tiêu diệt 28 xe cơ giới của địch ở đường 9 Nam Lào, gần căn cứ Sa Mưu, cắt đứt đường tiếp tế của địch từ Đông Hà, lên Khe Sanh và bản Đông.

Tướng Hiệu - Người đàn ông sinh ra để chiến đấu - ảnh 2
Cột mốc thứ ba là trận đánh mở màn cho chiến dịch 1972 ở cao điểm 322, 288 đông nam cứ điểm 544 (địch gọi là Fulơ). Ông chỉ huy đưa một tiểu đoàn luồn sâu vào căn cứ phía sau của địch, chỉ sau 35 phút quân ta tiêu diệt hoàn toàn quân địch, làm chủ chiến trường và bắt sống Tiểu đoàn trưởng của địch là Hà Thúc Mẫn. Sau đó chỉ huy đánh vu hồi cánh Đông giải phóng Hải Lăng và Hải Phong góp phần vào giải phóng hoàn toàn Quảng trị...

Cột mốc thứ tư đó là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, khi ông chỉ huy một trong năm mũi tấn công tiến về giải phóng miền Nam từ Lái Thiêu theo trục đường 13, chiếm cầu Vĩnh Bình, đánh chiếm toàn bộ khu Gò Vấp và Bộ Tư lệnh thiết giáp quân Ngụy góp phần giải phóng hoàn toàn Miền Nam.

Nói về những thành tích, những danh hiệu ấy người anh hùng này cho rằng tất cả mọi thứ đều do khổ luyện mà thành. Ông rất cảm ơn đồng đội và “trường đời” – các trận chiến đã dạy và trang bị cho ông những kiến thức thực tế hết sức quý giá ấy. Cùng với sự nỗ lực phấn đấu của bản thân, ông cũng rất biết ơn vì đã được gặp những con người trí thức, tài hoa như Chu Phương Đới, Lê Trọng Tấn, Lê Quang Đạo, Vương Thừa Vũ, Hoàng Minh Thảo…Ông đã học hỏi được khá nhiều những kiến thức từ sự chia sẻ của họ.

Là một vị Tướng, theo ông cần phải có bản lĩnh, có trí tuệ, có tính quyết đoán – dám chịu trách nhiệm, kỷ luật với cấp trên, có mưu kế, thế trận và có nghệ thuật chiến tranh. Bên cạnh đó, người cầm quân (tướng) cần phải biết được điểm yếu, điểm mạnh của mình, cũng như của địch. Biết tấn công đúng lúc và rút lui bảo toàn lực lượng đúng thời cơ. Cái khó nhất của người cầm quân là làm sao giành được thắng lợi mà không phải đổ máu và hy sinh nhiều…

Với Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, những năm tháng chiến tranh ác liệt, ăn ở, chiến đấu cùng đồng chí, đồng đội năm xưa là những kí ức, những kỉ niệm không bao giờ quên mà nếu quên đi thì quả thật là có tội.

Theo Vi Phong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay32,854
  • Tháng hiện tại941,876
  • Tổng lượt truy cập27,652,346
Banner trai
Banner phai
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây