Tập Đoàn Họ Nguyễn
HỆ THỐNG KẾT NỐI CÁC TRANG TIN CỦA HỌ NGUYỄN VIỆT NAM
  Trang tin này được lập ra với mục đích duy nhất là kênh kết nối với các trang chi tộc Nguyễn Việt Nam. Tìm hiểu lịch sử cội nguồn, ca ngợi những giá trị, công lao, tấm gương của anh linh tiên tổ, của các bậc tiền nhân từ đó tạo sự kết nối và hiểu biết thế sự về dòng họ Nguyễn cho hậu thế. Không mục đích chính trị, kinh doanh, vụ lợi. Với tất cả sự nhiệt tâm của ban quản trị... Trong quá trình xây dựng có thể còn sai sót , không phù hợp hoặc chưa đầy đủ, Ban quản trị rất mong bạn đọc thiện nguyện, nhiệt tình, đồng tâm góp ý, cung cấp các thông tin, bài viết, các tư liệu và địa chỉ của các trang chi tộc cùng chung sức với chúng tôi để bổ xung, chỉnh sửa cho trang kết nối của dòng họ Nguyễn được hoàn thiện hơn. Chân thành cảm ơn!   ..

NGUYỄN DUY TRINH - NHÀ NGOẠI GIAO XUẤT SẮC

Thứ bảy - 26/03/2016 04:56
Trong lịch sử ngành ngoại giao Việt Nam, đồng chí Nguyễn Duy Trinh làm Bộ trưởng Ngoại giao lâu năm nhất (15 năm), trong đó có 10 năm chiến tranh chống Mỹ, cứu nước vô cùng khó khăn, gian khổ, nhưng cũng đầy vinh quang, hào hùng và oanh liệt của dân tộc.
Trong giai đoạn đó, mặt trận đối ngoại đã giành được những thắng lợi vẻ vang với đỉnh cao là quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định Paris theo phương thức vừa đánh vừa đàm.

Người cộng sản kiên cường

Sinh ngày 15/7/1910 trong một gia đình nông dân ở một vùng quê nghèo khó nhưng giàu truyền thống cách mạng của xứ Nghệ, chứng kiến nỗi nhục của kiếp nô lệ, của người dân mất nước, Nguyễn Duy Trinh đã sớm mang trong mình tinh thần yêu nước và ý thức giác ngộ cách mạng. Tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1927, khi mới 17 tuổi, ông trở thành một trong những cán bộ cốt cán, gan dạ của Đảng.

Từ năm 1927 đến năm 1945, trải qua nhiều lần bị địch bắt giam và lần lượt bị đày đi nhiều nhà tù khét tiếng của thực dân Pháp, sau được trả tự do vào năm 1945, Nguyễn Duy Trinh tiếp tục hoạt động cách mạng và luôn nắm giữ những vị trí quan trọng trong các phong trào ở Liên khu V. Sự lãnh đạo sáng suốt của đồng chí đối với phong trào cách mạng của Liên khu được thể hiện sắc sảo qua những bài viết, bài nói, báo cáo… của ông thời gian này.
Ông Nguyễn Duy Trinh kí hiệp định Paris.

Từ năm 1951 đến đầu 1965, đồng chí được giao nhiều trọng trách lãnh đạo quan trọng… Tại Đại hội Đảng lần thứ III, năm 1960, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành T.Ư Đảng và Bộ Chính trị, được cử làm Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.

Ở cương vị nào, qua các tác phẩm của đồng chí cũng cho thấy có những quyết sách đúng đắn, kịp thời của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị mà đồng chí là thành viên. Đặc biệt là ở cương vị Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Nguyễn Duy Trinh đã có nhiều bài viết, báo cáo thể hiện rõ sự chỉ đạo toàn diện và sâu sát trong công cuộc đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội. Những tác phẩm của Nguyễn Duy Trinh thể hiện rõ tư duy lý luận và thực tiễn sâu sắc về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, về các mối quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế quốc dân, về các nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài của miền Bắc xã hội chủ nghĩa…

Tháng 4/1965, đồng chí được cử làm Bộ trưởng Ngoại giao và giữ cương vị này đến tháng 5/1980. Nguyễn Duy Trinh là Bộ trưởng Ngoại giao lâu năm nhất (15 năm).

Nhà ngoại giao xuất sắc

Đóng góp lớn nhất của đòng chí Nguyễn Duy Trinh cho cách mạng là thành công của quá trình đàm phán Paris giữa Mỹ và Việt Nam từ tháng 5/1967 đến tháng 1/1973, trong thời gian đồng chí làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, phụ trách toàn bộ mặt trận ngoại giao. 

Các vòng đàm phán tại Hội nghị Paris từ tháng 5/1968 đến tháng 1/1973 là cuộc đấu trí giữa nền ngoại giao nhà nghề của một siêu cường với nền ngoại giao của một nhà nước cách mạng còn non trẻ. Sau gần năm năm đấu trí, đấu bản lĩnh với hơn 200 phiên họp công khai, 45 cuộc họp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn, cuộc đàm phán kết thúc bằng việc ký kết chính thức Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam ngày 27/1/1973. Hiệp định Paris là chiến thắng của một nền ngoại giao cách mạng, buộc Mỹ rút quân khỏi miền nam Việt Nam, tạo ra thế và lực mới cho cách mạng nước ta, tiến tới Đại thắng năm 1975.
Ngày 24/1/1973, nhân dân Hà Nội theo dõi tin tức qua loa phóng thanh về việc ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Trong những năm tháng nhân dân ta tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cũng là thời kỳ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế nảy sinh những mâu thuẫn gay gắt. Quán triệt sâu sắc tư tưởng đối ngoại độc lập, tự chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao và phụ trách công tác đối ngoại của Đảng, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã lãnh đạo ngành đối ngoại hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ chính trị - đối ngoại vô cùng nặng nề, tranh thủ được sự ủng hộ to lớn của bạn bè, cộng đồng quốc tế cho sự nghiệp cách mạng của Việt Nam, hình thành một mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta và phản đối chiến tranh xâm lược phi nghĩa.

Trong thời kỳ xây dựng lại đất nước sau hơn 30 năm chiến tranh tàn phá, ngành ngoại giao Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Duy Trinh vừa tranh thủ sự hỗ trợ của các nước XHCN và cộng đồng thế giới, vừa đấu tranh chống bao vây cấm vận. Chính trong thời kỳ khó khăn ấy, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Liên hợp quốc, đánh dấu việc cộng đồng thế giới công nhận tính pháp lý và tư cách đại diện của Nhà nước ta tại tổ chức đa phương lớn nhất toàn cầu này. Đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã thay mặt Đảng và Nhà nước ta tham gia Lễ thượng cờ tại Trụ sở Liên hợp quốc tháng 7/1977.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng viết về đồng chí Nguyễn Duy Trinh: "Qua công tác đối ngoại, Anh thể hiện là một nhà ngoại giao xuất sắc của Đảng và Nhà nước ta... Đồng chí Nguyễn Duy Trinh là một nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, người học trò trung thành và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tấm gương chiến đấu và phẩm chất cách mạng, đức tính khiêm tốn và tình thương yêu chân thành đối với đồng chí, đồng bào của Anh đã để lại cho chúng ta nhiều tình cảm tốt đẹp và sâu sắc" (Trích theo Nguyễn Duy Trinh, Hồi ký và tác phẩm, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2003, tr 105).

Đồng chí Nguyễn Duy Trinh mất vào ngày 20/4/1985 tại Hà Nội, thọ 75 tuổi. Nguyễn Duy Trinh là một trong những nhà lãnh đạo đã đề xuất và thực hiện chính sách ngoại giao độc lập tự chủ, đoàn kết quốc tế, mở rộng quan hệ với các nước có chế độ xã hội khác nhau. Kinh nghiệm và những bài học mà đồng chí để lại trên mặt trận ngoại giao là bài học quý giá đối với quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế hôm nay.

Nguồn tin: http://baotintuc.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay29,729
  • Tháng hiện tại267,689
  • Tổng lượt truy cập28,061,171
Banner trai
Banner phai
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây