Tập Đoàn Họ Nguyễn
HỆ THỐNG KẾT NỐI CÁC TRANG TIN CỦA HỌ NGUYỄN VIỆT NAM
  Trang tin này được lập ra với mục đích duy nhất là kênh kết nối với các trang chi tộc Nguyễn Việt Nam. Tìm hiểu lịch sử cội nguồn, ca ngợi những giá trị, công lao, tấm gương của anh linh tiên tổ, của các bậc tiền nhân từ đó tạo sự kết nối và hiểu biết thế sự về dòng họ Nguyễn cho hậu thế. Không mục đích chính trị, kinh doanh, vụ lợi. Với tất cả sự nhiệt tâm của ban quản trị... Trong quá trình xây dựng có thể còn sai sót , không phù hợp hoặc chưa đầy đủ, Ban quản trị rất mong bạn đọc thiện nguyện, nhiệt tình, đồng tâm góp ý, cung cấp các thông tin, bài viết, các tư liệu và địa chỉ của các trang chi tộc cùng chung sức với chúng tôi để bổ xung, chỉnh sửa cho trang kết nối của dòng họ Nguyễn được hoàn thiện hơn. Chân thành cảm ơn!   ..

THU GIANG NGUYỄN DUY CẦN – MỘT HỌC GIẢ KIỆT XUẤT CỦA VIỆT NAM

Thứ hai - 28/03/2016 07:36

THU GIANG NGUYỄN DUY CẦN – MỘT HỌC GIẢ KIỆT XUẤT CỦA VIỆT NAM

“Cõi thiên đường sẽ không mở cho những người cằn cỗi yêu thương" Thánh Paul. Đó là lời đề tựa của cuốn sách “Thuật Yêu Đương” của Thu Giang Nguyễn Duy Cần .Nguyễn Duy Cần hiệu là Thu Giang, sinh năm 1907 tại Mỹ Tho, Tiền Giang. Ông là học giả nổi tiếng của Việt Nam vào khoảng những năm 50 – 60 của thế kỷ XX.

Sinh thời cụ Nguyễn Duy Cần viết rất nhiều sách, sách của ông bao gồm các thể loại học làm người, nghệ thuật sống, chuyên khảo, Dịch Đạo, trong đó có nhiều tác phẩm chưa công bố, bị thất lạc hoặc chưa được hoàn thành như: Tâm Sự Người Xưa, Cổ Nhân (đã tuyệt bản), Đạo Học Đông Phương Trong Xã Hội Ngày Nay, Thuật Dưỡng Sinh Của Đông Phương Đạo Học, Liệt Tử  Xung Hư Chân Kinh.

Năm 1935 ông xuất bản cuốn sách đầu tay Duy Tâm Và Duy Vật, sau đó là hàng loạt các cuốn khác như Toàn Chân Triết Luận (1936), Thanh Dạ Văn Chung (1939)...Năm 1946 ông rời Mỹ Tho lên Sài Gòn, tiếp tục viết sách. Trong thập niên năm 50, ông nổi tiếng với một loạt những tác phẩm như: Cái Dũng Của Thánh Nhân (1951), Óc Sáng Suốt (1952), Thuật Tư Tưởng (1952), Thuật Xử Thế Của Người Xưa (1954)...

Không chỉ  viết sách ông còn tham gia viết báo và dạy học. Ông từng là giáo sư của trường Đại học Vạn Hạnh và là Trưởng ban Triết Đông của Đại học Văn khoa Sài Gòn (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh).

Ngoài công việc viết lách, ông còn am tường châm cứu và chữa bệnh Đông y. Sinh thời, Thu Giang có nhiều học trò, nhưng đáng tiếc ông không để lại một cuốn sách nào viết về y thuật.
 

Sau khi cụ Nguyễn Duy Cần mất , quyển Thiền Đạo Trung Hoa được người thân của cụ mang sang Pháp . Riêng quyển Tử Vi Bí Kiếpbản gốc vẫn còn được lưu giữ, được viết hoàn toàn trên giấy sáp nên không ai rõ nội dung chính xác của nó và lý do vì sao tác giả lại không công bố cuốn sách nầy. Như vậy,  sinh thời cụ Nguyễn Duy Cần đã viết bao nhiêu cuốn sách, cuốn nào đã thất lạc và cụ có để lại di cảo hay không?…Tất cả vẫn còn là một ẩn số.

Nhưng năm cuối đời, Thu Giang không tiếp tục viết sách mà lui về ở ẩn. Năm 1991, ông chuyển về sống ở quận Bình Thạnh và mất tại đây vào năm 1998, để lại cho đời nhiều bộ sách có giá trị.

Có tờ báo cũng đã viết:
NHỚ HỌC GIẢ NGUYỄN DUY CẦN: GIỜ ĐỌC SÁCH CŨNG NHƯ GIỜ CẦU KINH
NXB Trẻ vừa tái bản hàng loạt sách của học giả Thu Giang - Nguyễn Duy Cần và chuẩn bị tổ chức cuộc tọa đàm về ông vào tháng 2/2014, tại Trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội). Là một trong những người cùng thời với Nguyễn Hiến Lê, Giản Chi, Hoàng Xuân Việt, Phạm Cao Tùng…, Nguyễn Duy Cần đã và vẫn ảnh hưởng đến nhiều thế hệ người đọc qua các cuốn sách được liệt vào dạng “gối đầu giường” của ông.

Cụ Nguyễn Duy Cần (1907 - 1998), bút hiệu Thu Giang, Hoàng Hạc, Bảo Quang Tử, sinh tại Mỹ Tho - Tiền Giang, cả đời ông là một tấm gương tự học. Trong hồi ký của mình, học giả Nguyễn Hiến Lê nhận định: “Những người đã chịu đọc sách ông (Thu Giang), thì luôn thuộc lòng từng câu chữ, vanh vách từng câu cốt lõi, những tư tưởng luận điểm chính của sách ông… Điều này không tìm được ở những dòng sách khác”.

Một đời tự học

Trong cuốn Tôi tự học, Nguyễn Duy Cần viết: “Tác giả là người đã vất vả rất nhiều trong con đường học vấn. Trước đây, tác giả là người rất kém về trí nhớ, lại cũng kém cả thông minh và sức khỏe… Sở dĩ sau này có được chút ít học vấn, dù nông cạn đến đâu, cũng đều nhờ công phu tự học cả”.

Cách tự học của Nguyễn Duy Cần đều nhờ đọc sách mà thành, như chính ông thừa nhận: “Người biết đọc sách phải biết dành cho mình một buổi nào để đọc sách trong yên lặng và cô tịch… Suốt một đoạn đời từ 21 tuổi đến nay, tôi đã dành cho mỗi buổi tối ít nhất là hai giờ đồng hồ để đọc sách, khoảng từ 20 - 22 giờ, không bao giờ sai chạy. Giờ ấy đối với tôi cũng như giờ cầu kinh, nhất định không để cho ai quấy rầy”.

 


Học giả Thu Giang - Nguyễn Duy Cần, ảnh chụp năm 1993

 

Dù chỉ tốt nghiệp Thành chung (tương đương lớp 9 bây giờ), nhưng nhờ tự học nên cụ rành tiếng Pháp, Anh và chữ Hán. Trước 1975, cụ Nguyễn Duy Cần làm giáo sư ở ĐH Vạn Hạnh, Trưởng ban Triết Đông ở ĐH Văn khoa Sài Gòn. Đời ông gắn với các nghề: viết sách, dạy học, lương y, nghiên cứu Đạo học và Kinh dịch.

Cuốn sách đầu tay Duy tâm và duy vật của Nguyễn Duy Cần viết năm 1935, một thời gây ra nhiều cuộc bút chiến xung quanh tác phẩm này. Cụ Nguyễn Duy Cần có hàng chục cuốn sách đủ các thể loại để lại cho đời, có rất nhiều cuốn tái bản liên tục với số lượng in khổng lồ.

Viết sách vì đạo

Sách bán nhiều là vậy, nhưng cả đời cụ Nguyễn Duy Cần vẫn sống ở nhà thuê; khác với nhiều người viết sách cùng thời, nhờ sách mà mua nhà, sắm xe.

Quan điểm viết sách của Nguyễn Duy Cần được ông thể hiện rõ: “Văn chương là một món sản vật của tinh thần thuộc về phần thiêng liêng cao trọng nhất mà người ta cũng đem nó làm món hàng ‘làm tiền’, xúm nhau quảng cáo với những mánh khóe con buôn trăm phần trăm, thật là hèn hạ quá - trích “Cái dũng của thánh nhân” in lần đầu năm 1951).

Với Nguyễn Duy Cần, điều ông quan tâm nhất khi viết sách là người đọc có cần tác phẩm của mình hay không. Luật sư Võ Văn Quới, một học trò của cụ Nguyễn Duy Cần kể lại mối quan tâm của thầy mình khi được thầy hỏi: “Sách của thầy thời đại này còn cống hiến được gì cho đời không?”, “Sách của thầy trước năm 1975 có những ai đọc? sau năm 1975 sẽ có những ai đọc?” và “Giới trẻ như con có ai đọc sách của thầy không?”.

“Những năm 1990, sách của cụ bị in lậu rất nhiều nhưng cụ không hề kiện tụng những đơn vị kinh doanh trái phép đó để đòi bản quyền, mà chỉ nói rằng: “Chắc vì họ cần nên mới làm vậy”. Và cụ nhờ người nhà đi mua những quyển sách đó về xem, rồi sửa lỗi những đoạn in sai, in thiếu. Điều này thể hiện tính rộng lượng, phóng khoáng trong con người cụ, đối với cụ sách là tài sản chung của mọi người chứ không phải của riêng một cá nhân nào cả”. - theo lời luật sư Võ Văn Quới.Độc giả của cụ Nguyễn Duy Cần thường có hai loại: muốn tìm kiếm thông tin, kiến thức thông qua sách hoặc những người hâm mộ, muốn sống theo cách của cụ. Học trò trực tiếp của ông có thể kể: nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, bác sĩ - nhà thơ Trương Thìn, lương y Bùi Quốc Châu...

Thông tin từ NXB Trẻ cho biết, hiện ở Hà Nội có một CLB Đạo học miền Bắc lấy sách của Nguyễn Duy Cần làm sách giáo khoa, do một bạn thế hệ 9X chủ trì.

Tọa đàm về sách của Nguyễn Duy Cần

Tháng 2/2014, tại Trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội) sẽ diễn ra buổi tọa đàm về sách của cụ Thu Giang Nguyễn Duy Cần do NXB Trẻ tổ chức. Khi viết sách, cụ Thu Giang quan niệm: “Đào một cái lỗ và đào sâu xuống nữa”. Buổi tọa đàm nhằm trả lời câu hỏi: muốn đọc sách của Nguyễn Duy Cần thì nên bắt đầu từ cuốn nào? Vì khi viết sách, cụ có chủ ý cuốn này bổ sung cho cuốn kia nên đọc “đâm ngang” sẽ không hiểu. Nhân dịp này, NXB Trẻ sẽ lần đầu tiên ấn hành “Di cảo Thu Giang Nguyễn Duy Cần”.

Một số tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Duy Cần: Cái dũng của thánh nhân, Thuật xử thế của người xưa, Cái cười của thánh nhân, Thuật yêu đương, Óc sáng suốt, Tôi tự học, Thuật tư tưởng, Phật học tinh hoa, Tinh hoa Đạo học Đông phương, Nhập môn triết học Đông phương, Lão Tử Đạo Đức Kinh, Lão Tử tinh hoa, Trang Tử tinh hoa, Trang Tử Nam Hoa Kinh, Chu Dịch huyền giải, Dịch học tinh hoa…

Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay16,745
  • Tháng hiện tại702,529
  • Tổng lượt truy cập28,496,011
Banner trai
Banner phai
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây