Tập Đoàn Họ Nguyễn
HỆ THỐNG KẾT NỐI CÁC TRANG TIN CỦA HỌ NGUYỄN VIỆT NAM
  Trang tin này được lập ra với mục đích duy nhất là kênh kết nối với các trang chi tộc Nguyễn Việt Nam. Tìm hiểu lịch sử cội nguồn, ca ngợi những giá trị, công lao, tấm gương của anh linh tiên tổ, của các bậc tiền nhân từ đó tạo sự kết nối và hiểu biết thế sự về dòng họ Nguyễn cho hậu thế. Không mục đích chính trị, kinh doanh, vụ lợi. Với tất cả sự nhiệt tâm của ban quản trị... Trong quá trình xây dựng có thể còn sai sót , không phù hợp hoặc chưa đầy đủ, Ban quản trị rất mong bạn đọc thiện nguyện, nhiệt tình, đồng tâm góp ý, cung cấp các thông tin, bài viết, các tư liệu và địa chỉ của các trang chi tộc cùng chung sức với chúng tôi để bổ xung, chỉnh sửa cho trang kết nối của dòng họ Nguyễn được hoàn thiện hơn. Chân thành cảm ơn!   ..

VĂN HÓA DÒNG HỌ

Thứ sáu - 05/07/2019 05:27

VĂN HÓA DÒNG HỌ

Truyền thống văn hóa dòng họ Việt Nam đã có từ lâu đời. Đó là một truyền thống tốt đẹp cần duy trì và phát triển. Hiện nay, việc họ và văn hóa dòng họ đang phát triển mở rộng phù hợp với thời đại thông tin. Song, do quan niệm không đầy đủ, nên trong hoạt động có những biểu hiện đi ngược lại bản chất tốt đẹp của văn hóa dòng họ. Nhiều cá nhân và nhóm người đang lợi dụng hoạt động dòng họ, tưởng nhớ tổ tiên, tiền nhân của quần chúng để trục lợi cá nhân hoặc trục lợi cho riêng dòng họ của mình. 1. Họ, việc họ và văn hóa dòng họ Muốn nghiên cứu một hiện tượng, sự vật, một vấn đề khoa học nào, điều trước tiên, ta cần phải hiểu rõ khái niệm về nó, sau đó là đặc điểm, yêu cầu, mục đích, nhiệm vụ...
Xem xét, nhìn nhận về văn hóa dòng họ, cần hiểu rõ những khái niệm họ, việc họ và văn hóa dòng họ. Họ là tập hợp nhiều gia đình (tế bào của xã hội) có cùng huyết thống, do cùng một người sinh ra (tổ, thủy tổ). Không cùng huyết thống, đương nhiên không cùng họ. Vì nhiều lý do không lưu trữ và sự hiểu biết có hạn của con người, nên việc xác định họ chỉ có giới hạn nhất định, mang tính rất tương đối. Từ trước đến nay, thời nào cũng thế, những người đang sống cũng chỉ biết thủy tổ của họ mình đến một số đời nhất định. Thông thường biết đến 9, 10 đời; có họ đến 30, cá biệt đến 80 đời. Họ phát triển theo quy luật tự nhiên, không theo đơn vị hành chính. Thông thường, trên một địa bàn có nhiều họ sinh sống và có họ ở nhiều nơi. Tuy nhiên, cá biệt, cũng có thôn, làng chỉ có một họ. Theo nghĩa cùng huyết thống (cùng một thủy tổ) mới cùng họ, nên cho dù người ta có cùng mang tên một họ mà không cùng huyết thống cũng không phải là cùng họ. Vì không hiểu rõ điều này, nên nhiều người (đa số) trong xã hội ta hiện nay cứ thấy trùng tên họ là coi như cùng họ. Nhiều cá nhân, nhóm người đã lợi dụng thực trạng này tổ chức ra các ban liên lạc họ theo đơn vị hành chính các cấp, giống như các tổ chức xã hội khác (hội cựu chiến binh, hội người cao tuổi…). Rồi các ban liên lạc này tổ chức ra các hình thức hoạt động như: cúng bái, tế lễ, xây nhà thờ, từ đường, xây mộ, kèm với nó là kêu gọi công đức, tài trợ, quyên góp. Những hoạt động này đã có nơi, có lúc làm cho xã hội vốn phức tạp càng phức tạp hơn. Theo văn hóa dòng họ truyền thống, việc họ chỉ là việc thờ cúng tổ tiên, viết gia phả, tổ chức giúp đỡ nhau trong ma chay, cưới hỏi, giáo dục con cháu chăm lo học hành, có hiếu với bố mẹ ông bà, thương yêu, đoàn kết trong họ, nghiêm trị những ai làm các việc sai trái với gia đình,họ và xã hội. Việc họ được mọi người thực hiện hoàn toàn tự giác, tự đến cúng giỗ, tự đóng góp, tùy khả năng trên tinh thần đoàn kết theo quy ước của họ, không ai hoặc tổ chức nào bắt buộc. Ai không theo việc họ là bất hiếu, nên dù giàu hay nghèo, không mấy ai bỏ việc họ. Việc họ là việc nội bộ của dòng họ, không ai đi cúng giỗ người khác họ. Trong việc họ kỵ nhất là thấy kẻ sang bắt quàng làm họ, cúng nhầm tổ tiên và nhận nhầm mộ. Như mọi loại văn hóa khác, văn hóa dòng họ phải hướng tới chân, thiện, mỹ. Trong hoạt động dòng họ, cần nhất là phải chân thực và thành tâm, làm cho mỗi người tốt hơn, mỗi gia đình tốt hơn. Ai cũng tự giác lo toan việc họ. Không ai làm điều bất chính với tiên tổ, gia đình và xã hội. Mọi người trong họ đoàn kết, giúp đỡ thương yêu nhau, làm ăn, học hành tiến bộ và có nhiều đóng góp cho xã hội. Các việc họ được thực hiện ngày càng có nề nếp, hoàn thiện và đầy đủ hơn. 2. Xác định thủy tổ và những hệ lụy Một việc cực kỳ quan trọng trong văn hóa dòng họ là viết gia phả, và trong viết gia phả điều chủ chốt nhất là xác định vị thủy tổ. Nếu quan niệm vị thủy tổ là người đầu tiên của họ thì đây là điều không tưởng, không bao giờ xác định được. Vì vậy, thông thường thủy tổ là người đầu tiên mà gia phả có ghi hoặc người đang sống còn nhớ. Trong một xã hội, những người cùng mang tên một họ, thường có những vị thủy tổ khác nhau. Có bao nhiêu họ đang tồn tại thì có bấy nhiêu vị thủy tổ. Chính vì vậy, mà cá nhân, nhóm người nào có ý định làm cái việc xác định thủy tổ cho những người cùng mang tên một họ là ý tưởng viển vông, không tồn tại trong thực tiễn xã hội loài người, và không bao giờ tìm được. Nếu có chăng thì chỉ ở thế giới đối diện với trần thế, thế giới mà ở đấy, người ta biết tường tận quá khứ, hiện tại và tương lai của từng con người trên mặt trái đất. Những người tự tuyên bố đã xác định được vị thủy tổ cho tất cả những người cùng mang tên một họ của một nước, một tỉnh, một huyện…là quá phi khoa học, nếu như không muốn gọi đó là một trò lừa bịp. Thế mà, hiện nay trên đất nước Việt Nam ta có rất nhiều ban liên lạc của những người cùng mang tên một họ, dựng lên một vị thủy tổ. Điều này cực kỳ vô lý. Hãy xem một ví dụ: Họ A toàn quốc, vị thủy tổ là B. Nên nhớ rằng, cùng thời với ông B, còn có rất nhiều người khác nữa mang họ A, vì vậy, chắc chắn là, mọi người có họ A hiện nay không thể đều là con cháu, huyết thống của ông B. Rất tiếc, nhiều người hiện nay lại ngộ nhận tin có cùng vị thủy tổ là B (thường là tiến sĩ hoặc làm quan to). Bằng chứng là họ cứ kéo về nơi thờ ông B để tri ân với tiên tổ. Hoặc nếu ông B chưa có nơi thờ cúng hay mồ mả còn sơ sài, họ sẵn sàng công đức, đóng góp xây dựng và để có tên trong bảng vàng công đức. Mấy người ở các ban liên lạc bảo họ rằng: thế là họ có hiếu, có lòng tri ân đối với tiên tổ. Thật tội nghiệp cho những người đã ngộ nhận ông B là thủy tổ của mình! Tại sao văn hóa dòng họ hiện nay lại như vậy, ai đã nỡ để cho những người ở các ban liên lạc họ (A, B, C…) Việt Nam làm những điều thất đức như vậy. Hệ lụy là: Những người tổ chức ở các ban liên lạc theo mô hình toàn quốc, tỉnh, huyện, thậm chí là xã, đã phạm phải tội lừa dối cả người sống và cả người chết. Lừa người sống thì đã rõ rồi: có rất nhiều người, thủy tổ của họ mình thì không biết hoặc không cúng, mà lại đi cúng thủy tổ họ khác! Đối với người chết cũng bị lừa: Nhiều người đến cúng không phải là người trong họ của ông. Biết đâu, các ông thủy tổ khác nghi cho ông lôi kéo con cháu họ, có khi ông bị đánh oan hoặc phải chịu nhiều lời trách móc ở thế giới bên kia. Quan hệ tâm linh giữa ông thủy tổ được tôn thờ và mấy ông trong ban liên lạc dòng họ có thể nảy sinh hai trường hợp. Nếu ông thủy tổ không phải là thủy tổ của mấy ông trong ban liên lạc thì thật tội nghiệp cho mấy ông vì đã đi thờ cúng thủy tổ họ khác, còn thủy tổ họ mình thì chẳng hiểu có biết không. Đáng đời cho những kẻ hiếu danh! Còn nếu ông thủy tổ đúng là thủy tổ của mấy ông trong ban liên lạc thì tội của mấy ông còn dày gấp bội vì đã lừa dối người khác (đồng loại) đến cúng thủy tổ họ của mình và đóng góp cho họ nhà mình. 3. Một tổ chức không đúng chức năng trong văn hóa dòng họ Việc các ban liên lạc dòng họ theo hệ thống chính quyền các cấp tự phát xuất hiện như nấm gặp mưa từ hàng chục năm trở lại đây đã hoạt động không đúng với chức năng trong văn hóa dòng họ, dẫn đến nhiều hậu quả tai hại, giống với những tiêu cực trong hoạt động của một số tôn giáo. Hãy quan sát việc làm sách, in thông tin của các ban liên lạc. Sách đều mang tên cá nhân. Nhưng trước khi làm, họ kêu gọi huy động tài trợ của cái gọi là bà con trong họ ta. Khi sách in xong, lại kêu gọi bà con trong họ mua để hiểu rõ sự tích họ ta. Không ai biết rằng, chỉ với 5 đầu sách in ra, mỗi đầu sách in một nghìn bản, trung bình giá mỗi bản là 50 nghìn đồng. Tác giả thu về, tổng số 250 triệu đồng. Không hiểu số tiền này có của bà con trong họ không?. Trong các báo cáo tổng kết hoạt động của dòng họ sau 5 năm, 10 năm, nghe thấy ông tổng thư ký hoan hỉ thông báo họ ta đã xuất bản được 5 đầu sách nói về dòng họ, xác định rõ được ông thủy tổ, bà con trong họ chỉ còn biết vỗ tay, còn chẳng biết nó có lợi, hại thế nào và lợi, hại với ai! Trước khi xuất hiện các ban liên lạc dòng họ, văn hóa dòng họ vẫn là loại văn hóa có ảnh hưởng sâu sắc và có tác động tích cực đến đời sống mọi gia đình Việt Nam. Từ ngày có các ban liên lạc, đồng nghĩa với việc chính quyền hóa hoạt động dòng họ, văn hóa dòng họ bắt đầu có biểu hiện đi lệnh hướng. Khái niệm họ bị thay đổi, bỗng nhiên xuất hiện những ông trưởng ban cứ như là ông trưởng họ của cả một huyện, một tỉnh, một nước. Thật giả bắt đầu lẫn lộn. Và điều này không thể không ảnh hưởng đến tư tưởng của đại đa số người dân. Có nhiều người, cứ thấy vô lý về các ông được coi là thủy tổ của mình, mà lại do mấy người ở ban liên lạc nói như vậy! Khá nhiều người cũng hoang mang. Nhiều người dân, chưa thấy lợi gì cho mình so với khi chưa có ban liên lạc, kể cả về quan niệm tâm linh, nhưng nhiều khi cũng cứ băn khoăn về các khoản đóng góp, khi thì xây mồ mả ông này, khi thì xây mồ mả ông kia, mà không biết có liên quan gì đến họ nhà mình; lúc lại thấy hô hào đóng góp cho quỹ họ toàn quốc, quỹ khuyến học... cứ giống y như bên chính quyền. Có họ (thực chất là những người cùng mang tên một họ) có khoảng 4 triệu người, theo điều tra dân số mới nhất. Ông trưởng ban liên lạc toàn quốc, tính rằng, nếu mỗi người đóng góp 10 nghìn đồng, cả họ ta cũng có quỹ 40 tỷ để chi tiêu cho việc họ. Phải khen rằng, trình độ toán học của ông này cũng khá cao. Từ một số tiền chẳng đáng là bao (10 nghìn đồng), ông đã làm ra 40 tỷ đồng! Trước kia, làm gì có ông trưởng họ nào làm được điều đó. Vì vậy cũng phải thôi, nhiều kẻ khen ông là có tài, mặc dù ông đã khá nhiều tuổi, họ bảo ông cứ làm trưởng ban khóa này, khóa sau và khóa sau nữa! Còn đối với bà con trong họ, nhiều khi còn phải vất vả với những chuyến đi xa (có khi ở khác tỉnh, khác miền) để dự hội nghị, động thổ nhà thờ, cúng lễ tưởng nhớ... Có nơi, còn xảy ra sự tranh chấp nơi thờ tự, cãi vã nhau về ông gọi là thủy tổ của cả họ toàn quốc. Khi chưa lập ra các ban liên lạc, làm gì có những chuyện lộn xộn như thế. 4. Cấp bách chấn chỉnh hoạt động của các ban liên lạc dòng họ hiện nay Tổ chức theo huyết thống của con người có 2 cấp độ: gia đình và họ. Khác với các tổ chức xã hội hoặc tổ chức chính trị xã hội (quan hệ xã hội), đặc điểm của tổ chức (quan hệ huyết thống) hoàn toàn mang tính tự nguyện, tự giác, tôn trọng cao, với tình yêu thương vô hạn, không cần thiết phải áp dụng kiểu tổ chức chính quyền, có tính bắt buộc. Từ sự khác nhau căn bản giữa tổ chức theo huyết thống và tổ chức xã hội (chính trị xã hội), nên cách thức tổ chức là hoàn toàn khác nhau, và phải khác nhau mới phù hợp với bản chất của mỗi loại, không thể áp dụng hình thức của loại tổ chức này cho loại tổ chức kia. Khái niệm họ, phải được hiểu là họ huyết thống. Còn họ gắn với ban liên lạc, phải được hiểu là những họ cùng mang tên một họ. Ví dụ: Ban liên lạc họ A huyện B, trong đó họ A được hiểu là các họ A, chứ không phải chỉ có một họ A ở huyện B. Theo thống kê của Hội Khuyến học Việt Nam, năm 2010, cả nước có trên 4 vạn họ đạt danh hiệu dòng họ khuyến học, hiểu họ như vậy mới hoàn toàn đúng. Ở Trung Quốc, gia phả của họ Khổng Tử đã có trên 80 đời; hiện nay ai họ Khổng muốn biết mình có thuộc họ Khổng Tử đều phải qua xác định AND mới được công nhận. Để giải quyết triệt để những điều bất cập trong hoạt động dòng họ hiện nay và tránh chồng chéo nội dung hoạt động với các tổ chức chính trị xã hội khác, tốt nhất trong hoạt động dòng họ không cần thiết phải tổ chức theo các cấp chính quyền. Ban liên lạc dòng họ các cấp đã có hiện nay cần điều chỉnh lại chức năng, nhiệm vụ, cách tổ chức và nội dung hoạt động cho phù hợp với đặc điểm đặc thù của hoạt động dòng họ. Nên chuyển thành các câu lạc bộ của những người có sở thích nghiên cứu, hoạt động về việc họ. Nhiệm vụ của nó, xuất phát từ nhu cầu của các họ huyết thống, cơ bản là: tổ chức giao lưu, thông tin, liên lạc giữa các họ; tư vấn, hướng dẫn việc họ; quan hệ chặt chẽ với cơ quan văn hóa của chính quyền và các cơ quan có liên quan để thực hiện tốt nhiệm vụ và nội dung hoạt động dòng họ. Tổ chức ban liên lạc (câu lạc bộ) các cấp phải theo nguyên tắc: các họ có nhu cầu và hoàn toàn tự nguyện (không áp đặt hoặc kêu gọi) và từ dưới lên trên, dựa trên cơ sở các họ huyết thống. Hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự đóng góp của các thành viên câu lạc bộ, không được phép kêu gọi tài trợ, quyên góp của bà con các họ huyết thống. Khi xuất bản ấn phẩm như thông tin, tạp chí, sách, ban biên tập và các tác giả tuân thủ theo quy chế của nhà nước. Bản chất của văn hóa dòng họ là văn hóa thờ kính tổ tiên, vì vậy đối với một dòng họ thường có 3 việc tối cần thiết, đó là: viết gia phả, xây dựng nơi thờ tự và xây mộ. Những việc đó là việc của các họ huyết thống, không phải của ban liên lạc hoặc câu lạc bộ.

Tác giả: (Nguồn : Tạp chí VHNT )

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay15,470
  • Tháng hiện tại701,254
  • Tổng lượt truy cập28,494,736
Banner trai
Banner phai
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây