Tập Đoàn Họ Nguyễn
HỆ THỐNG KẾT NỐI CÁC TRANG TIN CỦA HỌ NGUYỄN VIỆT NAM
  Trang tin này được lập ra với mục đích duy nhất là kênh kết nối với các trang chi tộc Nguyễn Việt Nam. Tìm hiểu lịch sử cội nguồn, ca ngợi những giá trị, công lao, tấm gương của anh linh tiên tổ, của các bậc tiền nhân từ đó tạo sự kết nối và hiểu biết thế sự về dòng họ Nguyễn cho hậu thế. Không mục đích chính trị, kinh doanh, vụ lợi. Với tất cả sự nhiệt tâm của ban quản trị... Trong quá trình xây dựng có thể còn sai sót , không phù hợp hoặc chưa đầy đủ, Ban quản trị rất mong bạn đọc thiện nguyện, nhiệt tình, đồng tâm góp ý, cung cấp các thông tin, bài viết, các tư liệu và địa chỉ của các trang chi tộc cùng chung sức với chúng tôi để bổ xung, chỉnh sửa cho trang kết nối của dòng họ Nguyễn được hoàn thiện hơn. Chân thành cảm ơn!   ..

ĐỂ HIỂU THÊM VỀ CÁCH ĐẶT HỌ, TÊN TRONG DÒNG TỘC NGUYỄN PHƯỚC VÀ TÔN THẤT

Thứ tư - 16/03/2016 18:04

ĐỂ HIỂU THÊM VỀ CÁCH ĐẶT HỌ, TÊN TRONG DÒNG TỘC NGUYỄN PHƯỚC VÀ TÔN THẤT

Ở Huế, hễ nghe ai có họ là Tôn Thất hoặc Nguyễn Phước (Phúc)... thì người ta lại bảo đó là dân Hoàng phái, là dân "các mệ". Vậy nhưng đến khi hỏi lại, tại sao cùng là dân "các mệ", nhưng người này thì có họ là Nguyễn Phúc, người khác thì lại Tôn Thất? Lập tức không ít người bị ngớ ra. Rồi từ đó, không ít cuộc tranh luận đã... bùng nổ.

Mới đây, trong một cuộc tranh luận như thế, có ý kiến khẳng định như đinh đóng cột: “Ai Nguyễn Phúc là con cháu nội, còn người mô Tôn Thất là con cháu ngoại (của vua)!” Nhiều người ấm ức, nhưng không có “dữ liệu” để cãi lại. Đành “ôm hận”... hỏi quanh. Tôi cũng đã có bận như thế. Chỉ biết chắc rằng, cách giải thích ai mang họ Tôn Thất là cháu ngoại vua là... tào lao. Bởi cụ thể nhất, Nữ sử Đạm Phương - Công Nữ Đồng Canh là con của Hoằng Hóa Quận công Miên Triện, cháu nội của vua Minh Mạng. Bà là thân mẫu của nhà cách mạng Hải Triều Nguyễn Khoa Văn, là bà nội của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Các ông Nguyễn Khoa Văn, Nguyễn Khoa Điềm theo tộc phả là “con cháu ngoại” của vua đấy chứ, nhưng họ vẫn mang họ cha, chứ có mang họ Tôn Thất đâu? Hay như trường hợp Thị độc học sỹ Đặng Hữu Phổ - người anh hùng đã xả thân trong phong trào Cần vương. Ông là con của Công chúa Tĩnh Hòa (con gái thứ 34 của Vua Minh Mạng) và Phò mã Đặng Huy Cát. Cháu ngoại vua nhưng ông vẫn mang họ Đặng Hữu đấy thôi. Hoặc thêm nữa, như trường hợp An Thường Công chúa (con thứ 4 của Vua Minh Mạng) hạ giá cùng Phò mã Phan Văn Oánh. Con của bà là Phan Văn Huy chứ có gọi là Tôn Thất Huy đâu... Cho nên, có thể khẳng định, nói Tôn Thất là những người thuộc “con cháu ngoại” của vua là sai bét. Nhưng còn Tôn Thất và Nguyễn Phúc, tại sao lại có phân biệt ấy? Để cho chắc và cho mau chuyện, tôi đi gặp trực tiếp một người bạn là dân “các mệ” chính hiệu để hỏi. “Mệ” cười thủng thẳng:

- Nguyễn Phúc là con cháu vua, Tôn Thất là con cháu dòng các chúa. 
Tôi băn khoăn: 
- Vậy còn những trường hợp Tôn Thất “gọn” và Tôn Thất... “rườm rà”. Ví dụ các nhân vật lịch sử Tôn Thất Thuyết, Tôn Thất Thiệp; hay như nhà giáo Tôn Thất Hanh... Tên các vị ấy chỉ gọn có 3 chữ. Trong khi có những người khác cũng Tôn Thất nhưng lại còn có thêm chữ đệm. Ví dụ Tôn Thất Viễn Bào, Tôn Thất Dương Kỵ, Tôn Thất Dương Tiềm... Sao lại có sự khác biệt ấy? 
Đến đây thì “mệ” của tôi... búi, giải thích lộn tới lộn lui khiến tôi càng nghe càng... tù mù. Thôi, tìm tới “mệ”... sách vở cho chắc chuyện. Sau này, tìm đọc chỗ này chút, chỗ kia chút, như “Hoàng tộc lược biên” của trang Nguyễn Phước tộc, 700 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế của Nguyễn Đắc Xuân... tự tôi hiểu như thế này: 

Họ Nguyễn của vương triều Nguyễn Việt Nam nguyên quán ở làng Gia Miêu Ngoại Trang, tổng Thượng Ban, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá. Đến đời Gia Long (1803), chữ Gia Miêu Ngoại Trang đổi thành Quí Hương, và Tống Sơn đổi thành Quí Huyện. Nguyên họ Nguyễn là họ Nguyễn Văn (Thân sinh của Nguyễn Kim- phụ thân của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng - huý là Nguyễn Văn Lưu). Đến đời Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, tương truyền một hôm, vợ ông nằm mơ thấy có vị thần cho tờ giấy, trên đó viết đầy chữ PHÚC. Nhiều người khuyên bà nên lấy chữ Phúc để đặt tên cho con, nhưng bà cho rằng, nếu đặt tên thì chỉ một người được hưởng, chi bằng dùng chữ Phúc để làm tên đệm thì nhiều người sẽ cùng được hưởng phúc. Rồi liền đặt tên cho con là Nguyễn PhúcNguyên, sau này là Chúa Sãi. Nhánh họ Nguyễn vào Nam làm chúa bắt đầu lấy họ Nguyễn Phúc từ đó. Đến đời Vua Minh Mạng, những người cùng họ với vua được vua đặt là Tôn Thất. Và để phân biệt thân sơ, phân biệt các đời, Vua Minh Mạng cho soạn Đế hệ thi và Phiên hệ thi. Mỗi bài đều có 4 câu 5 chữ, tổng cộng có 20 chữ trong 1 bài, toàn là mỹ tự để đặt chữ lót cho con cháu 20 đời. Đế hệ thi dùng cho con cháu của vua Minh Mạng, và chỉ những người thuộc dòng đế mới được làm vua. Đế hệ thi được áp dụng bắt đầu từ đời vua Thiệu Trị về sau. Nguyên văn Đế hệ thi gồm 4 câu, 20 chữ như sau:
 
Đêm Hoàng cung


Miên Hồng (Hường) Ưng Bửu Vĩnh
Bảo Quý Định Long Trường
Hiền Năng Kham Kế Thuật
Thế Thoại Quốc Gia Xương 
Phiên hệ thi có tất cả 10 bài, dùng cho hậu duệ của 10 người anh em trai của Vua Minh Mạng (Vua Gia Long có tất cả 13 hoàng tử, có 3 người mất sớm, 10 người có con cháu. Chữ Phiên trong Phiên hệ thi có nghĩa là phên dậu). Phiên hệ thi cũng là để phân biệt Tôn Thất anh em gần gũi với Vua Minh Mạng với Tôn Thất là con cháu các Chúa Nguyễn (thuộc Tiền hệ). Mười bài của Phiên hệ thi thứ tự gồm: Anh Duệ (cho con cháu Hoàng tử Cảnh - anh vua Minh Mạng), tiếp theo là Kiến An, Định Viễn, Diên Khánh, Điện Bàn, Thiệu Hóa, Quảng Oai, Thường Tín, An Khánh và Từ Sơn (đều là em Vua Minh Mạng). Mỗi bài cũng 4 câu, tổng cộng 20 chữ. Ví dụ bài Anh Duệ: 
Mỹ Duệ Anh Cường Tráng
Liên Huy Phát Bội Hương
Lệnh Nghi Hàm Tốn Thuận
Vỹ Vọng Biểu Khôn Quang
Kỳ ngoại hầu Cường Để thuộc dòng này. 
Như vậy, có thể thấy, “các mệ” nào mang họ Nguyễn Phúc (Ví dụ Nguyễn Phúc Hồng A, Nguyễn Phúc Bửu B, Nguyễn Phúc Quý C...) thì đó là con cháu của vua và có... khả năng làm vua (thời nhà Nguyễn). “Các mệ” nào là Tôn Thất “gọn” (Chẳng hạn Tôn Thất D, Tôn Thất E, Tôn Thất G...), thì đó là con cháu thuộc Tiền hệ - dòng 9 chúa. Còn “mệ” nào có họ Tôn Thất và thêm chữ lót nữa (Chẳng hạn Tôn Thất Mỹ X, Tôn Thất Cường Y, Tôn Thất Tráng Z...), đích thị đó là con cháu dòng các vị anh em ruột của vua Minh Mạng. Tuy nhiên, sau khi chế độ quân chủ Việt Nam cáo chung, việc phân biệt dòng đế, dòng phiên không còn ý nghĩa nhiều nên xu hướng nhiều người đã lấy lại họ là Nguyễn Phúc. 
Với sự tìm hiểu của mình, chúng tôi chỉ dám giải thích đến vậy. Chẳng biết trúng trật thế nào. Nếu được các bậc thức giả cao minh chỉ dạy và cũng là giúp cho bạn đọc có thêm thông tin thì thật là đáng quý.

Diên Thống


xem tiep

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay32,854
  • Tháng hiện tại943,517
  • Tổng lượt truy cập27,653,987
Banner trai
Banner phai
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây