Tập Đoàn Họ Nguyễn
HỆ THỐNG KẾT NỐI CÁC TRANG TIN CỦA HỌ NGUYỄN VIỆT NAM
  Trang tin này được lập ra với mục đích duy nhất là kênh kết nối với các trang chi tộc Nguyễn Việt Nam. Tìm hiểu lịch sử cội nguồn, ca ngợi những giá trị, công lao, tấm gương của anh linh tiên tổ, của các bậc tiền nhân từ đó tạo sự kết nối và hiểu biết thế sự về dòng họ Nguyễn cho hậu thế. Không mục đích chính trị, kinh doanh, vụ lợi. Với tất cả sự nhiệt tâm của ban quản trị... Trong quá trình xây dựng có thể còn sai sót , không phù hợp hoặc chưa đầy đủ, Ban quản trị rất mong bạn đọc thiện nguyện, nhiệt tình, đồng tâm góp ý, cung cấp các thông tin, bài viết, các tư liệu và địa chỉ của các trang chi tộc cùng chung sức với chúng tôi để bổ xung, chỉnh sửa cho trang kết nối của dòng họ Nguyễn được hoàn thiện hơn. Chân thành cảm ơn!   ..

TUỔI CAO VẪN KHÔNG NGƠI LÀM VIỆC NGHĨA

Thứ sáu - 25/03/2016 17:48

TUỔI CAO VẪN KHÔNG NGƠI LÀM VIỆC NGHĨA

Những năm qua, gia đình cựu chiến binh Nguyễn Văn Hồi ở xã Cẩm Chế, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đã xây dựng ngôi trường mầm non trị giá 1 tỷ đồng tặng địa phương, cùng một số công trình tình nghĩa khác... Để làm được những việc tình nghĩa đó, ông là người chỉ huy “tiểu đội tỷ phú” gia đình-“Tiểu đội” Bộ đội Cụ Hồ...

Ông già “tham việc”

“Yêu lao động” là cách nói văn vẻ, còn ở xã Cẩm Chế, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, người dân mộc mạc bảo đó là người “tham việc”, khi nói về ông Nguyễn Văn Hồi. Khi tôi đến gia đình, ông Hồi (năm nay tròn 90 tuổi) đang đảm nhận việc chỉ huy xây dựng công trình. Quệt mồ hôi trên mặt, ông vồn vã: “Tôi đang chỉ đạo các anh em thợ vét ao, xây bờ kè xung quanh ao cá của khu nhà thờ họ Nguyễn Văn. Cứ có thời gian và kinh phí là tôi lại xây dựng chỗ này, sửa sang chỗ kia..., bây giờ thành cái “tật” rồi”. Nhiều người dân xã Cẩm Chế biết cái “tật” thích xây dựng của người cựu chiến binh già và luôn thầm biết ơn về thói quen rất đáng kính ấy.

Lý giải về chuyện nhà thờ họ của mình xây dựng muộn so với những nhà thờ họ khác tại địa phương, ông Hồi giải thích: “Trước khi xây dựng công trình cho gia đình mình, dòng họ mình, tôi vẫn muốn xây dựng trước một công trình cho làng xã, để nhiều người cùng được hưởng. Nhà thờ của dòng họ chúng tôi, nếu tôi không xây được bây giờ thì sẽ có con cháu xây”. Năm 2009, ông Hồi bắt tay xây dựng ngôi trường mẫu giáo khang trang tặng xã nhà. Mọi công việc, từ thiết kế, thuê thợ, mua nguyên vật liệu đều tự tay ông làm, đến khi hoàn tất mới bàn giao cho xã để các cháu nhỏ có nơi học hành, vui chơi.

  

ong-nguyen-van-hoi-ben-cong-trinh-nha-tho-ho-nguyen-van
Ông Nguyễn Văn Hồi bên công trình nhà thờ họ Nguyễn Văn.

Rất “chuyên nghiệp” trong công tác từ thiện, ông Hồi cười vui vẻ cho biết: “Việc tôi tự đứng ra làm mang lại lợi ích nhiều mặt, nếu mình bàn giao tiền để cán bộ địa phương làm, vừa thêm bận việc cho anh em, lại có thể bị mang tiếng là xà xẻo, dù lâu nay anh em đều làm rất thực tâm”.

Trước đó, năm 2007, Nghĩa trang liệt sĩ xã Cẩm Chế cũng được ông Hồi bỏ tiền và trực tiếp chỉ huy xây dựng tường bao, tu bổ một số hạng mục..., tổng kinh phí xây dựng là hơn 200 triệu đồng. Việc này, như tâm sự của người lính già: “Đó là công trình tôi tâm đắc nhất, nhằm tri ân những người đã hy sinh vì đất nước góp phần để Tổ quốc, giang sơn luôn vững mạnh, trường tồn”. Giải thích về điều này, ông Hồi nhắc lại một câu kinh điển của Dante, nhà thơ vĩ đại của nhân loại trong tác phẩm "Hỏa ngục": “Tôn vinh những người anh hùng bây giờ là con đường duy nhất để có những người anh hùng sau này”.

Thấy tôi khâm phục bởi vốn văn hóa của ông, người lính già vỗ vai tôi, bảo: “Tôi đọc được câu đó thời đi làm ăn ở trong Nam. Lúc rỗi, tôi tìm trong số sách báo cũ mua về, có nhiều cái hay lắm!”.

Chuyện là, hàng chục năm trước, ông Nguyễn Văn Hồi từng xin thôi chức chủ nhiệm HTX may mặc có tiếng ở huyện Thanh Hà để vào TP Hồ Chí Minh làm nghề buôn đồng nát. Trong việc mưu sinh, vươn lên làm giàu thời kỳ mới, ông đã chỉ huy “tiểu đội” của mình thành “tiểu đội tỷ phú” nổi tiếng tại địa phương này. “Tiểu đội” Bộ đội Cụ Hồ của gia đình khá đông. Các con của ông là: Vinh, Quang, Quảng, Thành, Thắm, Oanh đều tham gia quân ngũ, tham gia đánh Pháp, Mỹ, chiến đấu bảo vệ biên giới. Tuy nhiên, khi đất nước thống nhất, hòa bình, cuộc chiến đấu để chiến thắng nghèo nàn lạc hậu, vươn lên làm giàu cũng là một hành trình gian nan, đầy thử thách.

Bộ đội Cụ Hồ trên trận tuyến mới

Trước những năm 80 của thế kỷ trước, cùng chung tình trạng với kinh tế đất nước khi ấy, việc làm giàu hay đơn giản chỉ là làm kinh tế để cải thiện đời sống gia đình là một hành trình khó khăn với bao rào cản của thời bao cấp. Khi ông Hồi làm chủ nhiệm HTX may mặc Cẩm Chế, số đầu máy khâu của HTX có hơn 20 chiếc-con số nổi danh trong tỉnh hồi ấy. Không chỉ đảm nhận nhiệm vụ được giao, ông chủ nhiệm HTX còn là người có tư tưởng “hơi tham” theo đánh giá của thời kỳ đó. Chính sách “Không cho máy nghỉ, không ngừng tay ta” khi đó bị khá nhiều lời bàn tán trong luồng tư tưởng chung của thời bao cấp. Ông chủ nhiệm HTX thậm chí còn làm việc thẳng với các đơn vị quốc phòng để có được các hợp đồng may quân phục cho bộ đội, xã viên của HTX thay nhau làm việc, hết ca thì cho những người trong xã có nhu cầu thuê máy may theo giờ... Vất vả và có nhiều sáng kiến trong kinh doanh, nhưng trong bối cảnh lúc bấy giờ, ông chủ nhiệm HTX vẫn thấy có rất nhiều rào cản trên con đường chiến thắng giặc đói, nghèo, vươn lên làm giàu.

Cho đến bây giờ, ông Hồi vẫn khẳng định: “Việc kinh tế trì trệ hồi đó được mọi người đổ lỗi hết cho cơ chế, mà cụ thể là cơ chế bao cấp. Riêng tôi thì lại thấy rào cản lớn nhất vẫn là tư tưởng làm kinh tế của mỗi cá nhân, do không chịu tiếp thu và thử nghiệm những cái mới. Nói đúng hơn là không dám làm giàu, coi việc làm giàu là cái gì đó không tốt”.

Sau năm 1975, khi bặt tin cậu con trai Nguyễn Văn Quang (là bộ đội đặc công), tưởng có chuyện không may, ông Nguyễn Văn Hồi đã lặn lội vào TP Hồ Chí Minh tìm con. Thành phố phồn hoa cùng những tư tưởng kinh tế sáng tạo, mới mẻ của người dân tại đây đã khiến ông suy nghĩ rất nhiều. Chính vì thế, những năm cuối cùng của thời kỳ bao cấp, biết được rằng sự trì trệ kinh tế làm cho đất nước rơi vào cảnh cùng kiệt, nhất định sẽ phải mở ra một thời kỳ mới, năm 1984, ông Hồi xin thôi chức chủ nhiệm HTX may mặc, cùng con trai Nguyễn Mạnh Hà một lần nữa vượt Trường Sơn vào miền Nam làm kinh tế.

Vào miền Nam khi ấy, hai cha con ông chỉ mang theo một khát vọng làm giàu mãnh liệt, chứ vốn liếng không có là bao, vì thế, họ khởi nghiệp với nghề mua bán phế liệu (ngoài Bắc gọi là nghề đồng nát). Sau một thời gian làm nghề, một quyết định táo bạo của hai cha con đã làm thay đổi cơ bản tình hình kinh tế gia đình. Tại miền Nam, nhất là xung quanh “Biệt khu thủ đô” (cách gọi về TP Sài Gòn trước đây) có rất nhiều lô cốt (bà con trong Nam gọi là bốt) của Mỹ-ngụy để lại sau chiến tranh, đã trở nên vô dụng. Hai cha con ông Hồi đã quyết định mua lại những chiếc bốt đó ở các địa phương rồi phá đi lấy sắt thép.

Khởi nguồn là thế và giờ đây, anh Nguyễn Mạnh Hà-người cùng cha đi mua sắt vụn năm nào đã trở thành một doanh nghiệp sản xuất thép có tiếng trong nước. Cùng sự phát triển ấy, những người con khác của ông Hồi lần lượt tham gia vào lĩnh vực kinh doanh. Gia đình của dòng họ Nguyễn Văn trở thành một gia đình giàu có tiếng của địa phương và cũng có tiếng về những đóng góp cho quê hương.

Ông Hồi bộc bạch: “Kỷ luật là sức mạnh của quân đội. Những tố chất của một người chiến sĩ, như: Tính kỷ luật, sự kiên trì, lòng can đảm… cũng chính là “chìa khóa” thành công trên trận chiến mới-trận chiến làm kinh tế, xóa bỏ đói nghèo, lạc hậu. Chính Quân đội nhân dân Việt Nam đã rèn luyện cho tôi và các con tôi những đức tính đó”. Còn anh Nguyễn Văn Thành, chủ đại lý sắt thép lớn tại Hà Nội, con trai ông Hồi cho biết: “Với anh em chúng tôi, cha tôi luôn là người chỉ huy tối cao!”.

Căn nhà thờ họ Nguyễn Văn khang trang, có một gian trang trọng đặt bàn thờ Bác Hồ. Trước bàn thờ, ông Hồi vẫn thường dõng dạc đọc lời căn dặn của Bác đối với quân đội: “Trung với nước, hiếu với dân. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Đọc xong, ông quay sang phía tôi, nói: “Lời Bác vẫn còn là ước mong đau đáu của nhiều người, bởi vẫn còn “kẻ thù” mà Bác muốn quân và dân ta phải đánh thắng, đó là “giặc” đói nghèo”.

Ông Lê Văn Dương, Chủ tịch UBND xã Cẩm Chế, huyện Thanh Hà, nhận xét: “Gia đình ông Nguyễn Văn Hồi là một gương sáng điển hình tiêu biểu trong thời chiến và cả trong thời bình xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc. Thay mặt chính quyền và nhân dân xã Cẩm Chế, chúng tôi bày tỏ sự trân trọng và biết ơn đến ông Hồi và mong muốn ông luôn mạnh khỏe, tiếp tục đóng góp cho địa phương nhiều hơn nữa!”.

Bài và ảnh: TUẤN LỆ

 

qdnd.vn

Nguồn tin: tamnhin.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay17,634
  • Tháng hiện tại703,418
  • Tổng lượt truy cập28,496,900
Banner trai
Banner phai
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây