Tập Đoàn Họ Nguyễn
HỆ THỐNG KẾT NỐI CÁC TRANG TIN CỦA HỌ NGUYỄN VIỆT NAM
  Trang tin này được lập ra với mục đích duy nhất là kênh kết nối với các trang chi tộc Nguyễn Việt Nam. Tìm hiểu lịch sử cội nguồn, ca ngợi những giá trị, công lao, tấm gương của anh linh tiên tổ, của các bậc tiền nhân từ đó tạo sự kết nối và hiểu biết thế sự về dòng họ Nguyễn cho hậu thế. Không mục đích chính trị, kinh doanh, vụ lợi. Với tất cả sự nhiệt tâm của ban quản trị... Trong quá trình xây dựng có thể còn sai sót , không phù hợp hoặc chưa đầy đủ, Ban quản trị rất mong bạn đọc thiện nguyện, nhiệt tình, đồng tâm góp ý, cung cấp các thông tin, bài viết, các tư liệu và địa chỉ của các trang chi tộc cùng chung sức với chúng tôi để bổ xung, chỉnh sửa cho trang kết nối của dòng họ Nguyễn được hoàn thiện hơn. Chân thành cảm ơn!   ..

NGƯỜI THẦY CỦA NGÀNH GIẢI PHẪU VÀ Y PHÁP VIỆT NAM

Thứ sáu - 18/03/2016 03:36
Lặng lẽ làm việc, âm thầm tìm hiểu cơ chế sinh bệnh, góp phần nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị và góp sức tìm ra sự thật của hàng trăm vụ án, bảo vệ lẽ phải, sự công bằng cho biết bao người mà không mong ân huệ, đó là lẽ sống của Thầy thuốc Nhân dân, GS. Nguyễn Như Bằng - một người thầy của ngành giải phẫu bệnh học và y pháp Việt Nam
TTND, GS. Nguyễn Như Bằng.

Vị bác sĩ ở lại với Thủ đô được giải phóng

Năm 1951, Hà Nội bị tạm chiếm, sinh viên Y khoa năm thứ 5 Nguyễn Như Bằng cùng nhiều bạn đồng học bị chính quyền ngụy động viên vào quân y. Ông bị điều đi Quảng Bình, Hưng Yên rồi về Hà Nội. Ngoài việc cứu chữa cho binh lính, ông cũng tham gia phẫu thuật, khám bệnh cho dân.

Trước 55 ngày Thủ đô Hà Nội được giải phóng, tướng ngụy Nguyễn Văn Vận ra lệnh tập trung ông cùng 3 bác sĩ khác tại cơ quan Bảo chính đoàn ở phố Hàng Bài để vào miền Nam ngay trong ngày. Buổi trưa hôm đó, các bác sĩ đã tìm cách rời doanh trại. Buổi chiều, một tiểu đội lính ngụy đã đến nhà riêng hò hét: “Ông đại úy Bằng trốn trại để ở lại với Việt Minh cộng sản” và đòi khám xét nhà, nhưng chúng không tìm thấy vì ông đã ra ngoại thành. Ít lâu sau, ông từ vùng quê Ước Lễ mang hành lý đến Bối Khê nhập đoàn với các trí thức ở ngoài kháng chiến vào, từ trong nội thành ra, đang tập trung ở đây. Ngày 27/9, ông đã chấp bút viết một thư dài 3 trang với chữ ký của 21 bác sĩ, dược sĩ vừa lánh khỏi Hà Nội, quyết tâm ở lại với Chính phủ kháng chiến gửi các bạn đồng nghiệp vừa từ Bắc vào Nam. Ngay sau ngày Thủ đô được giải phóng, BS. Bằng đến Bệnh viện (BV) Phủ Doãn gặp đoàn cán bộ tiếp quản BV. Ông được giao nhiệm vụ là Trưởng phòng Xét nghiệm, rồi Chủ nhiệm Khoa Giải phẫu bệnh của BV.

Một sự nghiệp cho ngành giải phẫu bệnh

Theo gương thầy Vũ Công Hòe, GS. Nguyễn Như Bằng đã dành cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp của ngành giải phẫu bệnh. Ông vào ngành từ năm 1954, khi làm việc tại BV Việt Đức.

GS. Vũ Công Hòe đã nói: “Giải phẫu bệnh là môn học nghiên cứu những thay đổi về hình thái và kiến trúc của các tế bào, các tổ chức, các bộ phận do bệnh tật gây nên trên một cơ thể sống. Từ hình thái học, phải liên hệ đối chiếu với lâm sàng để tìm hiểu cơ chế sinh bệnh, góp phần nâng cao chất lượng chẩn đoán, phòng bệnh và điều trị".

Thầy Vũ Công Hòe còn khẳng định: "Khám nghiệm tử thi là nghệ thuật làm cho người chết nói lên tiếng nói cuối cùng phục vụ người sống". GS. Bằng cũng nói: “Nghề của tôi luôn thầm lặng, bắt tiêu bản nói lên tiếng nói cho người còn sống”. Từ luận điểm này, có nhiều bệnh mới lần đầu được phát hiện ở Việt Nam đã nảy sinh từ ngôi nhà đại thể của BV Việt Đức.

Với cương vị Chủ nhiệm Khoa Giải phẫu bệnh lý BV Việt Đức, Phó Chủ tịch Hội Giải phẫu bệnh - Pháp y Việt Nam, GS. Nguyễn Như Bằng đã làm việc hết mình với tinh thần say mê nghề nghiệp. Ông đã được GS. Tôn Thất Tùng tín nhiệm vì nhiều đóng góp cho công tác điều trị, cho các công trình nghiên cứu khoa học do GS. Tôn Thất Tùng và các giáo sư khác chủ trì. Ông đã làm tốt nhiệm vụ của chuyên ngành ở một BV ngoại khoa đầu ngành, tìm ra những chẩn đoán chính xác giúp cho các đồng nghiệp hoàn thành nhiệm vụ trị bệnh cứu người và nâng cao trình độ chẩn đoán để làm tốt công việc chăm lo sức khỏe của nhân dân.

Công việc của người làm chuyên khoa giải phẫu bệnh thật là khắc nghiệt, nhọc nhằn, nguy hiểm. Họ thường xuyên phải tiếp xúc, tìm hiểu các tổn thương được thực hiện trên người chết (khi khám nghiệm tử thi) hay ở người sống (khi sinh thiết), là công việc trong labo thí nghiệm, dễ bị nhiễm các chất độc hóa học trong thuốc thử, thuốc nhuộm, chất bảo quản và cả về tinh thần. Một chuyên ngành ít hấp dẫn, khó lôi cuốn các thầy thuốc trẻ theo nghề.

Với lòng nhiệt tình, say mê khoa học, với trình độ uyên bác, giáo sư luôn là tấm gương, đã động viên nhiều cán bộ thuộc chuyên ngành yên tâm công tác, say mê với công việc mình làm. Ông đã tích cực dạy học, chỉ đạo và bồi dưỡng chuyên môn cho các cán bộ các tỉnh, cho nhiều thế hệ sinh viên và bác sĩ trẻ, tạo nguồn cán bộ kế tục xứng đáng sự nghiệp cho ngành giải phẫu bệnh trụ vững và phát triển.

Từ trái sang: GS. Tôn Thất Tùng, GS. Nguyễn Như Bằng, GS. Nguyễn Xuân Ty
tiếp GS. Orcel ( Pháp) (4/1977).

 

Năm 1952, khi làm việc tại Khoa Giải phẫu bệnh, BS. Nguyễn Như Bằng bắt đầu tiếp cận với y pháp, một ngành khoa học lúc đó còn quá non trẻ. Pháp y chính là giải phẫu bệnh phục vụ cho luật pháp, các thầy thuốc pháp y phục vụ pháp luật khi giải quyết những sự việc liên quan đến sức khỏe, thân thể, tính mạng của con người.

Hỏi chuyện về việc giáo sư đến với ngành pháp y vốn rất mạo hiểm và vất vả, ông ôn tồn nói: "Trường ĐH Y Hà Nội là nơi tôi thai nghén các hoài bão cống hiến và BV Việt Đức là cái nôi nuôi lớn mọi hoài bão đó. Tôi chịu ơn rất lớn hai người thầy là GS. Vũ Công Hòe và BS. Trương Cam Cống, những người mang đến cho tôi những tri thức đầu tiên về pháp y". Trường ĐH Y Hà Nội đã đào tạo lớp lớp những tri thức Việt Nam phụng sự, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và nơi đây còn đào tạo ra những giám định viên luôn đi tìm công lý, góp phần giữ vững an ninh trật tự. Với GS. Nguyễn Như Bằng, pháp y gắn với ông như một lẽ sống, ông luôn thể hiện một y đức trong sáng, một bản lĩnh cương trực, tài hoa, mẫn cán với nghề. Ông đã tâm huyết dành trọn cuộc đời cống hiến với nghề giám định pháp y với tâm niệm “quyết không để kẻ gây án nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật".

GS. Nguyễn Như Bằng sinh năm 1925, quê ở xã Uớc Lễ, Thanh Oai Hà Nội. Tốt nghiệp bác sĩ y khoa tại Trường đại học Y Dược Hà Nội năm 1952. Ông có 41 năm (1954-1995) làm việc tại Bệnh viện Phủ Doãn (nay là Bệnh viện Việt Đức), là Trưởng phòng Xét nghiệm, từ năm 1976 là Trưởng khoa Giải phẫu bệnh lý Bệnh viện Việt Đức.

1988 - 2001: Giám định viên Trưởng Pháp y Trung ương. Năm 1998 - 2002 Trưởng Bộ môn Pháp y Trường đại học Y Hà Nội

Nhiều năm là Phó Chủ tịch Hội Giải phẫu bệnh - Pháp y Việt Nam và Chủ tịch Hội Pháp y Việt Nam

BS. Nguyễn Như Bằng được công nhận chức danh Phó giáo sư năm 1984, Giáo sư Y học năm 1992, được Nhà nước tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân năm 1995.

Giáo sư nghỉ hưu năm 1995.

Khen thưởng: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Ba.

GS. Nguyễn Như Bằng có quyển sổ liệt kê theo thời gian các vụ án mà ông đã giám định thành công. Ước tính, có đến hàng trăm vụ khiến chúng tôi cảm phục và kính trọng sự cống hiến không mệt mỏi của giáo sư cho ngành tư pháp, góp phần xiết chặt kỷ cương phép nước và trật tự xã hội.

Trong các vụ án mạng, bác sĩ y pháp bao giờ cũng có mặt trong đội hình những người đầu tiên đến hiện trường. Sát cánh với lực lượng công an, ông khám nghiệm tử thi, thu thập dấu vết sinh học để đưa những kết luận đầu tiên nhằm định hướng cho công tác điều tra. Với GS. Nguyễn Như Bằng, độ nhạy cảm trong việc phát hiện những dấu vết nghi vấn quan trọng đã góp phần "gỡ nút" nhiều vụ án phức tạp.

Qua mỗi vụ án là thêm một lần GS. Bằng chiêm nghiệm thêm nhiều điều, tích lũy vào vốn kiến thức về pháp y vốn đã rất bề thế, dày dặn trong ông. Hơn 40 năm gắn bó với pháp y, cùng lực lượng công an khám phá thành công hàng trăm vụ án phức tạp, nguy hiểm, ông đã đúc rút cho bản thân những bài học máu thịt. Đó là cán bộ giám định pháp y trước hết phải nắm vững giải phẫu bệnh, phải trung thực để không dễ bị mua chuộc, đổi trắng thay đen.

GS. Bằng kể: "Trong cuộc đời làm pháp y, tôi đã phải đối đầu với bao trở lực và cám dỗ. Nếu không có lòng trung thực thì biết bao người chịu oan uổng, còn vô số tội phạm lại sống ngoài vòng pháp luật. Y pháp liên quan đến tính mạng của con người nên việc xác định một vụ án do tự tử, do tai nạn hay án mạng phụ thuộc rất lớn vào cái tâm, cái tài của giám định viên. Trong công việc, lúc tôi buồn nhất là có những ý kiến phá ngang, không tin vào khoa học hoặc cố tình dùng tiền để mua chuộc, bóp méo sự thật. Song hơn nửa đời người làm công việc này, tôi nghiệm ra rằng, trên đời những điều chính nghĩa bao giờ cũng tiềm ẩn sức mạnh chiến thắng, còn sự gian tà thì như cái kim trong bọc mà thôi".

Giáo sư nói: "Tôi phấn khởi khi tìm ra được sự thật và không cần biết người mình minh oan được là ai. Tôi coi đó là bổn phận, là cách làm phúc mà không cần trả ơn". Giám định viên trưởng Nguyễn Như Bằng là người bạn đồng hành của nhiều thế hệ chiến sĩ công an. Ông cũng lặn lội, không quản gian khó, không nề hà giờ giấc, ngày đêm, bên cạnh các chiến sĩ công an lặng lẽ tìm lời đáp từ những sự việc. Sự thành công của GS. Nguyễn Như Bằng là sự ủng hộ có hiệu quả cho bao chiến sĩ công an.

Thầy thuốc nhân dân, GS. Nguyễn Như Bằng có 88 tuổi đời, gần 60 năm hoạt động và cống hiến, luôn được đồng nghiệp trong nước mến mộ, tôn vinh, được nhiều nhà khoa học ở Pháp, Đức biết đến và khâm phục. GS. Nguyễn Như Bằng có cuộc sống chân thành, luôn trung thực và thẳng thắn, luôn khiêm tốn và giản dị, luôn lắng nghe mọi người vì công việc, vui vẻ cởi mở, tận tình chỉ bảo, giúp đỡ đồng nghiệp và học trò với cái tâm trong sáng và bao dung. GS. Nguyễn Như Bằng, một thầy thuốc đức độ, một nhà giáo tâm huyết và mẫu mực.

GS. Nguyễn Như Bằng đã từ trần ngày 24/12/2012, thọ 88 tuổi. Đông đảo đồng nghiệp và học trò đã dự tang lễ và tiễn đưa giáo sư ngày 26/12/2012.

Trần Giữu

Nguồn tin: www.baomoi.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay22,876
  • Tháng hiện tại780,994
  • Tổng lượt truy cập26,586,316
Banner trai
Banner phai
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây