Tập Đoàn Họ Nguyễn
HỆ THỐNG KẾT NỐI CÁC TRANG TIN CỦA HỌ NGUYỄN VIỆT NAM
  Trang tin này được lập ra với mục đích duy nhất là kênh kết nối với các trang chi tộc Nguyễn Việt Nam. Tìm hiểu lịch sử cội nguồn, ca ngợi những giá trị, công lao, tấm gương của anh linh tiên tổ, của các bậc tiền nhân từ đó tạo sự kết nối và hiểu biết thế sự về dòng họ Nguyễn cho hậu thế. Không mục đích chính trị, kinh doanh, vụ lợi. Với tất cả sự nhiệt tâm của ban quản trị... Trong quá trình xây dựng có thể còn sai sót , không phù hợp hoặc chưa đầy đủ, Ban quản trị rất mong bạn đọc thiện nguyện, nhiệt tình, đồng tâm góp ý, cung cấp các thông tin, bài viết, các tư liệu và địa chỉ của các trang chi tộc cùng chung sức với chúng tôi để bổ xung, chỉnh sửa cho trang kết nối của dòng họ Nguyễn được hoàn thiện hơn. Chân thành cảm ơn!   ..

NHỚ NHÀ BÁO NGUYỄN MINH VỸ

Thứ bảy - 12/03/2016 14:01

NHỚ NHÀ BÁO NGUYỄN MINH VỸ

Ông Nguyễn Minh Vỹ từng giữ trọng trách là Chủ tịch Ủy ban Cách mạng lâm thời Khánh Hòa. Đặc biệt, ông là một trong những người sáng lập tờ báo Thắng - tiền thân của báo Khánh Hòa ngày nay. Nhân kỷ niệm 89 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Báo Khánh Hòa giới thiệu đến bạn đọc bài viết về ông - một nhà cách mạng, nhà ngoại giao, nhà báo lão thành kiên trung…

Nhớ nhà báo Nguyễn Minh Vỹ


Ông tên thật là Tôn Thất Vỹ, sinh ngày 17-7-1914 trong một gia đình Hoàng tộc tại Huế. Hồi còn nhỏ, Tôn Thất Vỹ là một thanh niên học giỏi, ham hiểu biết. Ảnh hưởng bởi người anh Tôn Thất Cự là giáo viên tiểu học, lại là đảng viên Tân Việt Cộng sản Đảng, cùng người thầy trực tiếp dạy dỗ là Trần Đình Đàn, ông đã sớm giác ngộ cách mạng, rồi trở thành cán bộ cốt cán của Đảng khi còn rất trẻ.


Con đường đến với cách mạng của ông thật giản đơn: Năm 1927, lúc mới 13 tuổi, Tôn Thất Vỹ được vào học ở Trường Quốc học Vinh. Đến năm thứ hai, ông bị đuổi học vì tham gia bãi khóa, nên gia đình chuyển ông về học ở Quy Nhơn. Ở đây, chàng thanh niên 15 tuổi lại tiếp tục liên hệ với “tổ chức” để hoạt động, không những được kết nạp vào “Sinh hội đỏ” mà còn vào Thanh niên Cộng sản Đoàn; được Đảng tín nhiệm giao cho tờ báo Búa Liềm để đọc, đọc xong thì truyền lại người cùng chí hướng. Sau đó, ông trở thành người biên tập, viết bài và phát hành tờ Búa Liềm (in li-tô). Địch phát hiện Tôn Thất Vỹ hoạt động cách mạng nên đã bắt giam ông. Năm 1931, Tòa án Nam triều tỉnh Bình Định tuyên án ông 7 năm tù khổ sai, kèm theo bản án phụ là không được ở trong hàng ngũ Hoàng tộc nữa mà phải đổi theo họ của mẹ, Tôn Thất Vỹ thành Trương Vỹ. Tức cảnh trước kiểu xét xử lạ đời của Tòa, ông làm thơ mỉa mai: Nghe án tuyên xong bỗng nực cười/Tội gì mà xử bảy năm trời/Công lao cách mạng chưa trọn vẹn/Thân thể Hoàng gia đã tả tơi/Đập đá lâu năm lòng vẫn vững/Ở tù lắm bạn dạ càng vui/Cải tùng mẫu tánh thì cho cải/Tôn Thất hay Trương cũng một người.

 


Năm 1937, Tôn Thất Vỹ ra tù về lại Quy Nhơn, được Tỉnh ủy Bình Định phân công phụ trách vận động công khai phong trào công nhân, học sinh, sinh viên, trí thức... và phụ trách ngành đường sắt. Trở lại hoạt động cách mạng, Tôn Thất Vỹ lấy họ Nguyễn và dùng chữ lót là Minh theo tên của Bác Hồ, khẳng định con đường hoạt động của ông trước sau chỉ theo Đảng và Bác. Thời gian này ông cùng một số thi sĩ nổi tiếng như: Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, Chế Lan Viên, Yến Lan, Nguyễn Viết Lãm, Phú Sơn, Hoàng Diệp... sáng lập nhóm Thái Dương Văn Đoàn. Những năm 1940 - 1941, ông Nguyễn Minh Vỹ vào hoạt động ở Nha Trang, Khánh Hòa.


Ngày 17-8-1945, Đại hội Việt Minh toàn tỉnh Khánh Hòa đã bầu Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời, do ông Nguyễn Văn Chi làm Chủ tịch, ông Trần Chí Hiền làm ủy viên quân sự, ông Nguyễn Minh Vỹ làm ủy viên thư ký và một số ủy viên phụ trách các ngành. Ngày 19-8-1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Ủy ban nhân dân cách mạng, nhân dân Nha Trang nổi dậy giành chính quyền. Sau đó không lâu, ngày 23-10-1945, Nha Trang - Khánh Hòa bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp suốt 101 ngày đêm. Ngày 6-1-1946, nhân dân Khánh Hòa cùng nhân dân cả nước nô nức đi bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa dưới làn bom đạn của giặc Pháp. Ông Nguyễn Minh Vỹ cùng các ông Nguyễn Văn Chi và Đào Thiện Thi được bầu làm Đại biểu Quốc hội Khóa I. Trong thời kỳ này, tại chiến khu Hòn Dữ, tháng 4-1947 ông đã cùng với nhiều đồng chí cho ra mắt số đầu tiên của báo Thắng (tiền thân của báo Khánh Hòa ngày nay). Lúc đó, ông được xem là chủ nhiệm của tờ báo Thắng. Sự ra đời của một tờ báo Đảng bộ địa phương trong thời điểm nước sôi lửa bỏng của dân tộc đã trở thành một dấu ấn không thể nào quên.


30 năm làm đại biểu Quốc hội (1946 - 1976); có thời gian ông Nguyễn Minh Vỹ được giao trọng trách là Chủ tịch Ủy ban Cách mạng lâm thời Khánh Hòa, cùng các đồng chí khác lãnh đạo nhân dân Khánh Hòa tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp. Năm 1955, ông tập kết ra Bắc. Trong giai đoạn mới của cách mạng, ông được Đảng, Nhà nước giao các trọng trách: Chủ nhiệm Báo Thống Nhất; Tổng cục trưởng Tổng cục Thông tin, kiêm Phó ban Tuyên huấn Trung ương; Phó Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại hội nghị bốn bên ở Paris về chiến tranh Việt Nam suốt gần 5 năm. Đặc biệt, giai đoạn 1968 - 1975, khi ông làm Chủ nhiệm Báo Thống Nhất là lúc ông hoạt động báo chí sôi nổi nhất.


Ông là con người chữ nghĩa, văn chương, nề nếp, kỷ cương, giờ giấc và nguyên tắc. Ông viết cho nhiều báo, lại từng làm Chủ nhiệm một tờ báo, đứng đầu cơ quan quản lý báo chí cả nước. Trước nhiệm vụ được giao, nhiều lần ông đã phải vắt óc suy nghĩ về nội dung chính trị với biết bao văn kiện lịch sử. Đó là tuyên bố của Quốc hội nước ta giữa năm 1962, khi Mỹ lập Bộ chỉ huy quân sự ở miền Nam. Văn kiện thảo xong, ông trực tiếp trình lên Bác Hồ, được Bác cơ bản nhất trí, chỉ sửa chữa một số ý, số chữ; sau đó chuyển cho Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Cuối cùng, bản thảo được duyệt và thông qua Quốc hội.


Riêng về Hội nghị Paris, sau 4 năm 8 tháng 20 ngày với 170 phiên họp công khai, 20 lần gặp riêng..., bản Hiệp định đã được phía Mỹ chấp nhận. Trong thời gian này, với kinh nghiệm truyền thông báo chí, ông được giao tổ chức các cuộc họp báo quốc tế tuyên truyền cho chính sách đối ngoại đúng đắn của phía ta. Ông đã vượt qua mọi thử thách trong những cuộc đấu trí hết sức cam go, thể hiện bản lĩnh chính trị, trí tuệ, tài ngoại giao của mình trước những nhà báo quốc tế.


Năm 1980, ông về hưu, sống thanh bạch, giản dị cùng con cháu ở Hà Nội. Lúc này có thời gian rảnh rỗi, ông lại viết báo, ghi hồi ký, làm thơ tặng con cháu, bạn bè và trải lòng mình theo những con chữ. Ông mất năm 2002, thọ 88 tuổi. Với cuộc đời hoạt động cách mạng, ông được Đảng, Nhà nước và nhân dân tặng nhiều phần thưởng cao quý trên các lĩnh vực hoạt động, trong đó có Huân chương Độc lập hạng Nhất. Năm 2008, nhà báo, nhà hoạt động ngoại giao, nhà cách mạng lão thành Nguyễn Minh Vỹ còn được được Đảng và Nhà nước truy tặng phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh.


NGUYỄN XUÂN

Nguồn tin: www.baokhanhhoa.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay32,854
  • Tháng hiện tại946,217
  • Tổng lượt truy cập27,656,687
Banner trai
Banner phai
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây