Tập Đoàn Họ Nguyễn
HỆ THỐNG KẾT NỐI CÁC TRANG TIN CỦA HỌ NGUYỄN VIỆT NAM
  Trang tin này được lập ra với mục đích duy nhất là kênh kết nối với các trang chi tộc Nguyễn Việt Nam. Tìm hiểu lịch sử cội nguồn, ca ngợi những giá trị, công lao, tấm gương của anh linh tiên tổ, của các bậc tiền nhân từ đó tạo sự kết nối và hiểu biết thế sự về dòng họ Nguyễn cho hậu thế. Không mục đích chính trị, kinh doanh, vụ lợi. Với tất cả sự nhiệt tâm của ban quản trị... Trong quá trình xây dựng có thể còn sai sót , không phù hợp hoặc chưa đầy đủ, Ban quản trị rất mong bạn đọc thiện nguyện, nhiệt tình, đồng tâm góp ý, cung cấp các thông tin, bài viết, các tư liệu và địa chỉ của các trang chi tộc cùng chung sức với chúng tôi để bổ xung, chỉnh sửa cho trang kết nối của dòng họ Nguyễn được hoàn thiện hơn. Chân thành cảm ơn!   ..

TỂ TƯỚNG PHÚC THẦN NGUYỄN QUÝ ĐỨC

Thứ tư - 10/02/2016 23:55

Tể tướng phúc thần nguyễn Quý Đức

Tể tướng phúc thần nguyễn Quý Đức
Trong cuốn gia phả của dòng họ Nguyễn Quý hiện còn ghi lại bài thơ vịnh của Nguyễn Quý Đức nhân một lần ông ra chơi chùa Trấn Quốc. Điều đặc biệt là bài thơ này được làm theo thể “thuận nghịch độc”, nghĩa là đọc xuôi hay ngược đều thành thơ - đọc xuôi là thơ chữ Hán, đọc ngược là thơ chữ Nôm.

Đọc xuôi (thơ chữ Hán) 

Trang nghiêm cảnh tĩnh thản tri viên/Thú vị Mâu Ni thế giới tiên/Hương phất bàng mai hoa bích vựng/   Nguyệt lai lung trúc ấn thanh liên/Sương đàm bích diệp hoa lung viện/Tuyết ánh ngân đài nguyệt trú thuyền/Lương vãn bối kinh phô ngọc ấn/Quang phong chiếm liểu liểu chân thiên. 

Đọc ngược (thơ chữ Nôm) 

Thiên chân leo lẻo chiếm phong quang/Ấn ngọc phô kinh buổi vãn lương/Thuyền chứa nguyệt đài ngần   ánh tuyết/Viện lồng hoa diệp biếc đầm sương/Sen xanh ấn trúc lung lay nguyệt/Vừng biếc hoa mai phảng phất hương/Tiên giới thế này màu vị thú/Vườn chi đất tĩnh cảnh nghiêm trang.

Tài năng hơn người

Nguyễn Quý Đức (1648 - 1720), húy là Tộ, tên hiệu là Đường Hiên sinh tại làng Thiên Mỗ, thuộc Thăng   Long (nay là làng Đại Mỗ, huyện Từ Liêm, Hà Nội). Theo tư liệu lịch sử còn ghi lại thì làng Thiên Mỗ xưa kia vốn là nơi có nhiều người hiển đạt và nổi tiếng về văn học, trong đó dòng họ Nguyễn Quý ba đời đều giữ chức vụ trọng yếu trong triều đình. Nguyễn Quý Đức và con là Nguyễn Quý Ân (1673-1722) đều đỗ tiến sĩ, cháu nội là Nguyễn Quý Kính (1693-1766) đỗ hương cống (cử nhân).  

Ngay từ nhỏ, Nguyễn Quý Đức đã nổi tiếng là người thông minh, hay chữ, có tài ứng khẩu linh hoạt hơn người. Chuyện rằng một hôm sau buổi học sáng, lúc trở về qua một quán nước, Đức ghé vào chơi. Chợt có ông quan huyện đi qua cũng vào nghỉ. Ông huyện thấy Đức mặt mũi sáng sủa, bèn hỏi: Cậu đã học sách gì rồi?, Đức đáp đã đọc hết sách Luận ngữ. Ông huyện liền ra một vế đối, dùng toàn chữ của Luận ngữ:  Thực vô cầu bão, cư vô cầu an, quân tử chí (An không cần no, ở không cầu yên, say đạo học, đúng chí quân tử). 

Cậu bé Đức ứng khẩu đối ngay cũng bằng các chữ trong sách ấy: Chiêu nhi bất lai, huy nhi bất khứ, xã tắc thần (Vẫy không chịu lại, xua không chịu đi, phò xã tắc, đáng mặt bầy tôi). 

Lại một hôm trâu của Đức bị lính quan phủ bắt giữ bởi cậu bé mải chơi để trâu xổng xuống phá một khu ruộng trồng khoai của làng Cầu Đơ. Thấy cậu bé láu lỉnh, quan phủ ra vế đối: Khoai Đơ xanh tốt nhờ về phủ. Đức nghe xong đối luôn: Lĩnh mỡ vàng trơn bởi có nghè. Ông phủ thấy đối nhanh, lại có khẩu khí hơn người, bèn trao trả trâu cho Đức. 

Năm 1670, khi mới 22 tuổi, Nguyễn Quý Đức ứng thí và đỗ khoa thi Hoành từ, được thăng làm Thị nội văn chức. Sáu năm sau, đời vua Lê Hy Tông, ông đỗ Đình nguyên Thám hoa. Khoa này không chấm đỗ Trạng nguyên, Bảng nhãn nên chỉ mình ông đứng tên trong bảng Tam khôi. 

Sự nghiệp và tài năng văn chương

Là người đỗ cao, Nguyễn Quý Đức được bổ nhiệm làm Thiêm đô ngự sử, làm chánh sứ sang Trung Quốc (1690), rồi làm Tả thị lang Bộ Lại. Khoảng năm Chính Hoà thứ 18 (1697), ông được đề cử cùng Lê Hy Toản xem xét và sửa bộ sử cũ, rồi viết tiếp bộ “Đại Việt sử ký bản tục biên”, bao gồm lịch sử 13 năm từ đời vua Lê Huyền Tông (1663-1671) đến đời vua Lê Gia Tông (1672-1675). Bộ sử của ông biên soạn có phương pháp, ghi chép rành mạch và có những lời bàn xác đáng.

Nguyễn Quý Đức là người có kiến thức uyên bác, giỏi văn thơ, từng tham gia giảng dạy, đào tạo nhân tài ở Quốc Tử Giám. Bấy giờ triều vua Lê chúa Trịnh đã qua 60 năm với 20 khoa thi mà chưa có bia tiến sĩ để ghi danh trong Văn Miếu. Nguyễn Quý Đức làm sớ xin trùng tu lại Quốc Tử Giám. Sau hai năm, Quốc Tử Giám được sửa sang lại khang trang hơn: 21 bia Tiến sĩ từ các khoa Bính Thân (1656) cho đến khoa At Mão (1715) đã được lập và đặt tại Văn Miếu. Ngoài việc này, trong thời gian dạy học ở Quốc Tử Giám,   ông còn lo trùng tu, xây dựng thêm các công trình ở đây như dựng điện Đại Thành và hai bên tả vu, hữu vu, trang trí cho nhà Thái học.

Năm Mậu Tý niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ tư (1708) khi đã 61 tuổi, Nguyễn Quý Đức được thăng Thượng thư bộ Binh, vào làm Tham tụng. Trong suốt 10 năm làm Tể tướng, ông cấm đoán mọi việc phiền hà, khoan hồng đối với người trốn thuế và thiếu thuế, bớt tạp dịch, giúp nhà nông nên được nhân dân ca gợi bằng câu đồng dao: Tể tướng Quý Đức, thiên hạ yên tức (Tể tướng Quý Đức, thiên hạ yên vui).

Năm Giáp Ngọ (1714) ông cùng Đặng Đình Tướng đều được thăng Thiếu phó. Năm 1716, ông được thăng Thượng thư bộ Lại, tước Liêm Quận công.

Ở tuổi 70, Nguyễn Quý Đức dâng sớ khải xin cáo quan. Triều đình đánh giá cao tài năng của ông, muốn giữ lại nên phải đến lần thứ ba dâng khải ông mới được chúa Trịnh Cương chấp thuận. Ngày về hưu, ông được ban cho bốn chữ “Thái sơn Bắc đẩu”, gia phong hàm Thái phó Quốc lão, vẫn được tham dự chính sự, được chúa ban 2 bài thơ tiễn, lại cấp cho xe ngựa và ruộng lộc. 

Về đến quê, ông dành 10 mẫu ruộng được triều đình ban cho để tặng dân làng và trích ra 4 mẫu lập chợ Khánh Nguyên, tức chợ Mỗ ngày nay. Thường ngày, ông vui thú điền viên, xướng hoạ thơ văn cùng các bậc trí sĩ tại đình Lạc Thọ do ông tự lập, có khi lại tham gia cày ruộng cùng bà con trong vùng. Ông là người thẳng thắn, không xu nịnh, được người đời kính trọng.Tính tình ông đôn hậu, thương người, hòa nhã và bình dân nên được mọi người yêu mến. Năm Canh Tý (1720) ông mất, được triều đình truy tặng là Thái tể, ban tên thụy là Trịnh Mục. Sau lại truy tặng ông là Đại tư không, sắc phong làm Cung thần tuấn đạt định sách Đại vương, và được dân làng thờ làm Phúc thần trung đẳng.

Nhận xét về ông, Phan Huy Chú (1751-1822) trong “Lịch triều hiến chương” viết: Ông là người khoan hậu   trầm tĩnh. Triều đình có chế tác gì lớn phần lớn do tay ông thảo. Ông làm tể tướng 10 năm, về chính sự chuộng khoan hậu, đám hậu tiến phần nhiều do ông cất nhắc. Việc sửa sang hậu cung, dựng bia tiến sĩ đều chính mình ông trông coi cho đến lúc xong. Bàn đến ông thì ai cũng khen. Tài sản văn chương vô giá của Nguyễn Quý Đức còn lại đến ngày nay phải kể đến “Thi châu tập” (Tập thơ châu ngọc), “Hoa trình thi tập” (Tập thơ trong chuyến hành trình sang đất Trung Hoa), 72 bài thơ chép trong “Toàn Việt thi lục”. Ngoài ra ông còn có một số thơ văn Nôm chép lẫn với thơ văn chữ Hán trong sách “Nguyễn Quý thị văn phả”, gồm 5 tập, hiện còn được lưu giữ ở dòng họ Nguyễn Quý.  Tại xã Đại Mỗ hiện còn giữ được bức vẽ chân dung ông cùng tấm biển “Lạc Thọ đình”- tên ngôi nhà khi xưa ông xây cất làm nơi thưởng ngoạn văn chương cùng các bậc trí sĩ. Tên của ông cũng được đặt cho một con phố lớn ở quận Thanh Xuân để con cháu đời sau luôn nhớ về ông - một người con, danh nhân của Thăng Long - Hà Nội đã làm vẻ vang, rạng rỡ cho dòng họ Nguyễn Quý, cho quê hương Đại Mỗ - Từ Liêm và truyền thống ngàn năm văn hiến của đất “kinh sư muôn đời”.

Phương Loan
Nguồn tin: http://hanoitv.vn/Van-hoa-Ha-Noi/Te-tuong-phuc-than-nguyen-Quy-Duc/29743.htv

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay32,006
  • Tháng hiện tại269,966
  • Tổng lượt truy cập28,063,448
Banner trai
Banner phai
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây