Tập Đoàn Họ Nguyễn
HỆ THỐNG KẾT NỐI CÁC TRANG TIN CỦA HỌ NGUYỄN VIỆT NAM
  Trang tin này được lập ra với mục đích duy nhất là kênh kết nối với các trang chi tộc Nguyễn Việt Nam. Tìm hiểu lịch sử cội nguồn, ca ngợi những giá trị, công lao, tấm gương của anh linh tiên tổ, của các bậc tiền nhân từ đó tạo sự kết nối và hiểu biết thế sự về dòng họ Nguyễn cho hậu thế. Không mục đích chính trị, kinh doanh, vụ lợi. Với tất cả sự nhiệt tâm của ban quản trị... Trong quá trình xây dựng có thể còn sai sót , không phù hợp hoặc chưa đầy đủ, Ban quản trị rất mong bạn đọc thiện nguyện, nhiệt tình, đồng tâm góp ý, cung cấp các thông tin, bài viết, các tư liệu và địa chỉ của các trang chi tộc cùng chung sức với chúng tôi để bổ xung, chỉnh sửa cho trang kết nối của dòng họ Nguyễn được hoàn thiện hơn. Chân thành cảm ơn!   ..

BÍ ẨN NGUYỄN BỈNH KHIÊM

Thứ sáu - 04/03/2016 23:31
Trong các nhân vật lịch sử Việt Nam, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585) là một trong những thánh nhân còn để lại nhiều kỳ tích và giai thoại chứa nhiều bí ẩn khiến người đời còn phải mất nhiều công khám phá, bàn bạc và ngày càng sôi nổi.

Tôi nhân một bài viết về ông bỗng tìm ra mệnh đời của ông, thể hiện trong một quẻ Dịch. Thử đem ra đối chiếu với cuộc đời trong thực tế, một bên là quẻ Dịch, một bên là diễn biến niên biểu, thấy y chang, Dịch nói gì, thực tế diễn ra đúng như thế, nên tôi tin chắc đó là mệnh của Trạng. Nay nhân ngày Xuân Bính Thân, xin trò chuyện với bạn đọc, tin hay không là việc của bạn. Trong môn toán Hà Lạc, muốn biết số mệnh đời người phải biết chính xác 4 yếu tố: Năm, tháng, ngày, giờ sinh. Đối với Nguyễn Bỉnh Khiêm (NBK) nhờ có gia phả, chúng ta chỉ biết năm sinh, đó là năm Tân Hợi (1491). Ba yếu tố sau hoàn toàn không ai biết. Vậy tôi làm thế nào biết được mệnh đời của tiên sinh? Đó là do cái tạm gọi là nguyên lý cũng do tôi tìm ra và công bố trong sách “Khám phá một tia sáng văn hóa phương Đông” (NXB Văn học 2009): Văn chương là bản sao hành trình số mệnh nhà văn. Vì là bản sao nên ta hoàn toàn có thể từ “bản sao” đó đi ngược dòng thời gian tìm ra số mệnh nhà văn mà không cần đi từ nguồn ngày giờ, tháng, năm sinh. Tôi đã thực hành một thí nghiệm như thế với một số nhà văn, sau khi tìm được số mệnh (thể hiện trong một quẻ Dịch) đối chiếu với niên biểu và tác phẩm để biết đúng sai. Quả thật là cuộc đời và tác phẩm (thơ chữ Hán, thơ Nôm) của NBK đã cho tôi hai quẻ phản ánh mệnh đời của tiên sinh: Tiền vận là Thuần Ly (1491 - 1538); nguyên đường chủ mệnh hào 2; hậu vận là Thiên Hỏa Đồng Nhân (1539 - 1585), nguyên đường chủ mệnh hào 5. Ly là lửa, là sáng. Thuần Ly là hai vầng sáng. Thuần Ly còn nghĩa nữa là hai lần nương tựa (dính, bám), với cả phản nghĩa của nương tựa là chia ly (tan, rời). Người quẻ Thuần Ly là người sáng suốt, thông minh, tạo lập cuộc sống bằng sợi dây nương tựa nhau (vừa bền chặt vừa dễ đứt chia). Quẻ rất tốt nhưng người được quẻ này phải vào hàng đại nhân thì mới tốt. Bậc đại nhân coi quẻ này mà tiếp nối đức sáng, soi ra bốn phương. Cuộc đời NBK đã mở đầu như thế, gia đình thuộc hàng đại nhân, cha mẹ thuộc dòng dõi trí thức, mẹ thêm nguồn linh cảm về thế giới âm dương, 20 năm kén chồng để sinh con quý nhân. Thuở còn bé Nguyễn Văn Đạt (tên cha mẹ đặt) đã nổi tiếng thông minh, học đâu biết đấy, đối đáp kinh sử thông tuệ, được tiếng là thần đồng. Giai thoại kể rằng, câu thơ đầu tiên của cậu bé Đạt là tả mặt trời: “Đông phương hồng nhật xuất” (mặt trời hồng mọc ở phương đông). Đây chính là câu thơ xuất thần của cậu bé có mệnh Thuần Ly, hào 2: Sắc vàng ở giữa, rất tốt. Khi lớn theo học thầy Lương Đắc Bằng, ngay từ 18 tuổi đã được thầy truyền cho bộ sách “Thái Ất thần kinh”, mang từ Trung Hoa về, từ đây “ông đã nhanh chóng bước lên đỉnh cao của kiến thức đương thời” (Vũ Khiêu). Xin trích một năm Hà Lạc và đối chiếu với niên biểu. Năm 1535 (45 tuổi) ông đang ở đoạn cuối của giai đoạn Thuần Ly, năm này được quẻ Hỏa Thủy Vị Tế, hào 4. Vị Tế là Chưa sang sông, người được quẻ Vị Tế khác nào đang đứng trước một con sông lớn, ngày nay ta hiểu như đứng trước một thách thức. Lời hào 4 cho biết một dự đoán: Khoa danh chậm nhưng ân sủng cũng lớn. Giới sĩ đỗ hạng ưu. Quả nhiên năm này NBK (đã đổi tên) thi Hội, thi Đình đỗ đầu, vinh danh Trạng nguyên. Vua Mạc phong làm Đông Các hiệu thư, rồi Đông Các đại học sĩ, Tả lang Bộ Lại. Vì sao 45 tuổi mới xuất thân dựng nghiệp? Theo chúng tôi đó là do linh cảm về chữ Thời (cả bộ Dịch nếu tóm lại một chữ là chữ Thời). Trong tay có bộ “Thần Kinh thái ất”, phải mất nhiều năm mới “gom góp hạt châu ngoài biển” (tên một phần trong “Thần kinh Thái Ất”), khi viết về thuật xem quẻ dựng nghiệp có câu: “Khao khát cái biết là mệnh số con người, biết được thân phận mình là một bí quyết của nhân mệnh” (Xem “Thái Ất thần kinh”, NXB Văn hóa Dân tộc - 2001, tr.470). Biết rằng, phải đến năm Hỏa Thủy Vị Tế hào 4 mới được câu: Giữ chính thì mới tốt. Khỏi ăn năn. Phấn chấn tinh thần, cổ vũ dũng khí mà đánh nước Quỷ Phương, lâu 3 năm, nhưng rồi được nước lớn thưởng cho. Ý nói năm nay đi thi, giữ cho trung chính, khỏi ăn năn gì, cố gắng lên, khoa danh khó khăn và chậm nhưng ân huệ trên ban cho cũng lớn đấy! Bèn chọn năm này đi thi. Và trở thành Trạng. Kỳ diệu thay.

Xin nói nhiều hơn về hậu vận Thiên Hỏa Đồng Nhân chủ mệnh hào 5 (1539 - 1585). Tượng quẻ là trên trời (thiên) dưới lửa (hỏa). Nghĩa quẻ là hòa đồng với người (gọi tắt là cùng người). Quẻ rất tốt: Cùng với người ở cánh đồng (rộng lớn) thì hanh thông. Lợi sang sông lớn. Lợi cho người quân tử trung chính. Chủ mệnh hào 5 cho biết về vận hội những năm này: Cùng với người, trước thì kêu la, sau thì cười; phải dùng đại quân đánh, rồi mới gặp nhau. Có nghĩa là hanh thông đấy, lợi sang sông lớn đấy, nhưng những năm này thì gặp khó khăn, trước khó sau dễ, trước bực mình, sau mới gặp, cũng có lúc phải mượn đến sức mạnh mới xong. Mọi việc trong những năm này của ông Trạng đã diễn ra hoàn toàn đúng như thế. Chỉ xin trích dẫn một năm quan trọng trong những năm đó. Năm Nhâm Dần (1542) ông được quẻ Trạch Thiên Quải hào 6. Hào này cho biết rằng: Có quyết tâm, quyết đoán trong công việc. Ghét bỏ kẻ tiểu nhân. Nhưng rơi vào hoàn cảnh người thấp cổ bé họng, không kêu ai được. Không chơi với kẻ thấp kém nữa, bản thân cũng cố tránh sai phạm, mà xem ra tai họa chưa lùi. Giới Quan: Nên dũng thoái thì tốt. Giới sĩ: Khó tiến thủ, ẩn mình, tu là hơn. Diễn biến nhân quả: Hết thời lớn mạnh rồi mà còn làm ra vẻ lớn mạnh, thì không lợi gì. Vậy trong Niên biểu NBK, thực tế đã diễn ra như thế nào? Lúc đó Mạc Đăng Doanh, một vị vua anh minh, nối ngôi Mạc Đăng Dung, đã từ trần năm Tân Sửu (1541). Mạc Phúc Hải lên ngôi, nhưng tỏ ra mềm yếu, bất lực. Bọn quyền thần lũng đoạn, chia rẽ, tranh giành quyền lợi, trong đó có cả thông gia và con rể. NBK hết sức can ngăn nhưng không được. Rằm tháng Bảy, viết bài thơ ngâm trước bạn bè: “Trời đất nào dung tha kẻ ác/ Cớ sao còn có lễ Vu Lan?/ Từ bi, ta muốn nhờ công sức/ Cứu được bao người chịu khổ oan”. Tháng 8, dâng sớ hạch tội đòi chém 18 viên quan to cậy thế làm càn. Vua không chấp nhận. Trong tình thế đó, NBK quyết định từ quan, đúng như trong số mệnh (dũng thoái, ẩn mình). Mạc Phúc Hải biết không thể giữ ông, phải chấp nhận cho ông về, còn phong cho ông tước Trình tuyền hầu. Nhân dân gọi ông là Trạng Trình bắt đầu từ đây. Nhưng chính cái tên đó ghi nhận một bước ngoặt của đời ông. Vậy là sau 7 năm giúp nước, nay ông về quê nhà, sống cuộc đời của người dân thường. Tại quê, ông đã dựng quán Trung Tân (cái bến của sự trung chính), giảng văn, dạy học, dựng am Bạch Vân (mây trắng) để cùng bạn bè xướng họa, bình thơ. Đến đây, hầu hết thơ ông có thể nói là thơ một thời đồng nhân, trong thơ thấm đậm một mong ước, khát khao con người sống với nhau trong mối tương quan gắn bó dưới một bầu trời bình yên, để cùng nhau vượt qua sông lớn. “Nhà không chẳng bợn chút trần ai/ Cửa trúc bên sông rộng mở hoài/ Thuyền cá chiều về khe cá đậu/ Rau quê hương tiễn khách quê chơi/ Yên thân buổi loạn là may phận/ Giúp nước thời nguy thẹn chẳng tài/ Nhàn rỗi gió đông ta mượn sức/ Giữ xuân trong chén thọ đầy vơi” (“Ngụ hứng về quán Trung Tân” - Thơ chữ Hán - Hữu Thế dịch thơ). “Được đất nay nhờ mưa móc tưới/ Sánh trời xưa trải gió sương pha/ Hãy đem bóng mát che dân chún/ Tuy chẳng cột rường chống nước nhà” (Vịnh hai cây đa bên quán Trung Tân). Thơ thời này ông thường nhắc chữ nhàn, nhưng mệnh Đồng Nhân không cho ông cái nhàn. “Ba quyển đồ thư thu nặng túi” thì nhàn làm sao được. Hào 5 quẻ Đồng Nhân chả nói có lúc phải dùng đại quân đánh, rồi mới gặp nhau. Cuộc “đại quân đánh” ấy ông đã thực hành năm Nhâm Dần (1542) khi dâng sớ xin chém 18 tên gian thần. Ngày nay chúng ta có thể hỏi trận đánh lớn ấy tránh sao sự trả hận của kẻ ác? Có đấy, trong giai thoại có chuyện Phù Dương Cảo một học trò của ông được ông tiến cử, được thăng chức tới Thái Bảo quận công, trong tay có thanh gươm “tiền trảm hậu tấu”. Y đã gây sự mời ông tới nhà, xin ông nhận xét. Ông đã thẳng thắn nói ra những nhận xét của nhân dân về sự tàn bạo, bòn rút tiền bạc của dân. Y đã rút gươm toan chém ông, may ông chạy thoát. Mệnh đồng nhân đã cứu ông. Ông đã kể chuyện này trong bài thơ “Cảm thời cổ ý” (theo Lương Cao Rính). Chữ “nhàn” trong thơ ông, người đời sau nhận thấy chẳng qua là “tùy thời”. “Sen mùa trước nổi mùa sau mọc/ Triều cửa này ròng, cửa khác cường/ Âm đã lại dương đành máy nhiệm/ Bĩ thôi thì Thái ấy là thường” (thơ Nôm). Một học giả đời sau nhận xét chí tình chí lý: “Tuy ở nhà 44 năm mà lòng không bao giờ quên đời, lòng ưu thời mẫn tục đều lộ trong thơ” (Vũ Khâm Lân). Quả thật vậy, ngay khi về quê gọi là ở ẩn, khi vua gọi đi đánh giặc ông lại ra quân. Với tài tiên tri, ông đã chỉ bảo cho Trịnh Kiểm: “Muốn ăn oản thì giữ lấy chùa”. Nhờ vậy mà thời vua Lê - chúa Trịnh kéo dài được 240 năm. Ông bảo cho Nguyễn Hoàng: “Hoành Sơn nhất đái khả dĩ dung thân”. Nhờ vậy mà Nguyễn Hoàng thoát khỏi tay Trịnh Kiểm vào Nam, trở thành Chúa Nguyễn mở ra một thời đại mới cho nhà Nguyễn. Ông lại mách cho Mạc Mậu Hợp lên đất Cao Bằng mà dung thân, nhờ vậy nhà Mạc kéo dài thêm được hơn 70 năm ở Cao Bằng nơi phên dậu của đất nước. Vế sau của câu dùng đại quân đánh, rồi mới gặp nhau đã đi đến hết thời Đồng Nhân hào 5 của ông, không sai một chữ nào. Tôi đọc thơ thời Đồng Nhân của NBK bỗng tự hỏi: Giữa hai vế “dùng đại quân” và “gặp nhau”, còn một cái gì đó? Cái gì đó phải chăng đã lộ trong thơ ông? Đó là Con Người (viết hoa) trong NBK. Một Con Người khoan dung nhân hậu vô cùng lớn lao trong ông. Khi lên án 18 tên lộng thần, không phải ông không biết mình phải trả giá. Nhưng ông đã về quê ung dung mở quán dạy học, làm thơ. Cái uy về tài tiên tri, về sự thức thời và sự bao bọc của nhân dân khiến chúng không làm gì được ông. Và ông đã làm thơ tỏ rõ sự khoan dung đó, với những bài thơ dài như “Thương loạn”, “Ghét chuột” và loạt 48 bài thơ nôm mà người đời sau xếp vào mảng thơ “Thế sự” gọi tên là “Nhân tình thế thái” (Trần Trung Viên - Văn đàn bảo giám). Ông đã gọi tên và khám phá cái ác bắt nguồn từ đâu, từ thói ăn ở của người đời trong thời ông đang sống, bằng tiếng nói dân gian và hình ảnh “quê mùa” quen thuộc. “Được thì thân thích đem chân đến/ Thất thế hương lư ngoảnh mặt đi/ Thớt có tanh tao ruồi đỗ đến/ Gang không mật mỡ kiến bò chi” (thơ Nôm). “Thanh tao của có thanh tao mấy/ Náo nức tay không náo nức gì” (thơ Nôm). “Hễ kẻ trêu ngươi ắt phải lo/ Chẳng bằng vô sự ngáy o o/ Tay kia khéo nắm còn khôn mở/ Miệng nọ hay cười có lúc ho/ Có thuở được thời mèo đuổi chuột/ Đến khi thất thế kiến tha bò/ Được thua sau mới ăn năn lại/ Vô sự chăng hơn có sự ru” (thơ Nôm). Chỉ rõ cho mà biết chân tướng sự vật bao giờ cũng có hai mặt: không có cái thiện nào mà chẳng có cái ác của nó. Đó là lẽ trời. Trong âm có dương và trong dương có âm. Khoan dung đến thế là rất Trạng Trình.

Nguồn tin: http://laodong.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay32,854
  • Tháng hiện tại945,508
  • Tổng lượt truy cập27,655,978
Banner trai
Banner phai
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây