Tập Đoàn Họ Nguyễn
HỆ THỐNG KẾT NỐI CÁC TRANG TIN CỦA HỌ NGUYỄN VIỆT NAM
  Trang tin này được lập ra với mục đích duy nhất là kênh kết nối với các trang chi tộc Nguyễn Việt Nam. Tìm hiểu lịch sử cội nguồn, ca ngợi những giá trị, công lao, tấm gương của anh linh tiên tổ, của các bậc tiền nhân từ đó tạo sự kết nối và hiểu biết thế sự về dòng họ Nguyễn cho hậu thế. Không mục đích chính trị, kinh doanh, vụ lợi. Với tất cả sự nhiệt tâm của ban quản trị... Trong quá trình xây dựng có thể còn sai sót , không phù hợp hoặc chưa đầy đủ, Ban quản trị rất mong bạn đọc thiện nguyện, nhiệt tình, đồng tâm góp ý, cung cấp các thông tin, bài viết, các tư liệu và địa chỉ của các trang chi tộc cùng chung sức với chúng tôi để bổ xung, chỉnh sửa cho trang kết nối của dòng họ Nguyễn được hoàn thiện hơn. Chân thành cảm ơn!   ..

NHÀ THỜ HỌ NGUYỄN QUÝ

Chủ nhật - 06/03/2016 23:11
Nhà thờ họ Nguyễn Quý được xây vào năm 1721, bên trong thờ 3 cha con, ông cháu của tể tướng Nguyễn Quý Đức được tôn làm thành hoàng làng Đại Mỗ. Xếp hạng: Di tích lịch sử văn hóa. Địa chỉ: xóm Đình, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Toạ độ: 20°59’53"N 105°45’24"E; cách Hồ Gươm chừng 15km về hướng tây-nam. Điểm dừng xe bus gần nhất: cạnh ngã ba Biển Sắt trên đường TL70 (bus 57).

Lược sử

Từ đường họ Nguyễn Quý được xây vào năm 1721, ngày nay vẫn còn ở Đại Mỗ và đã xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa. Trong thờ Tam đại vương gồm Nguyễn Quý Đức và con trưởng Nguyễn Quý Ân đỗ tiến sĩ, cháu nội Nguyễn Quý Kính đỗ hương cống. Trải 3 đời họ đã liên tiếp giữ những chức vụ trọng yếu trong triều đình cuối thời Lê-Trịnh. Khi mất, ba vị đều được phong phúc thần và thờ làm thành hoàng làng.

Nguyễn Quý Đức thuộc đời thứ 5 của dòng họ này. Ông sinh năm 1648, mất 1720, húy là Tộ, hiệu Đường Hiên. 16 tuổi đỗ hương cống, 23 tuổi làm Thị nội văn chương, 29 tuổi đỗ Thám hoa (không có Trạng nguyên, Bảng nhãn). Từng được bổ nhiệm chức Thiêm đô ngự sử, làm chánh sứ sang Trung Quốc (1690), rồi làm Tả thị lang Bộ Lại. Khoảng năm Chính Hòa thứ 18 (1697), ông được đề cử cùng Lê Hy Toản xem xét và sửa bộ sử cũ, viết tiếp bộ Đại Việt sử ký tục biên, bao gồm lịch sử 13 năm từ đời Lê Huyền Tông (1663-1671) đến đời Lê Gia Tông (1672-1675).

Năm 1708, Nguyễn Quý Đức được thăng Thượng thư bộ Binh. Trong suốt 10 năm giữ chức Tham tụng (Tể tướng), ông cấm đoán mọi việc phiền hà, khoan hồng đối với người trốn thuế và thiếu thuế, bớt tạp dịch, giúp nhà nông. Năm 1714 cùng Đặng Đình Tướng thăng Thiếu phó. Năm 1716, làm Thượng thư bộ Lại, tước Liêm Quận công. Ở tuổi 72, Nguyễn Quý Đức về hưu sau 3 lần xin cáo quan, chúa Trịnh Cương ban 4 chữ “Thái sơn Bắc đẩu”, gia phong hàm Thái phó Quốc lão, vẫn cho tham dự chính sự, lại ban 2 bài thơ tiễn, cấp cho xe ngựa và ruộng lộc.

Trong 10 năm quản lý Quốc Tử Giám, ông đã viết sớ xin trùng tu, rồi lập và đặt tại Văn Miếu 21 bia tiến sĩ từ khoa Bính Thân (1656) đến khoa Ất Mão (1715). Sinh thời, ông đã dành 10 mẫu ruộng được triều đình ban để tặng dân làng và trích 4 mẫu xây chợ Khánh Nguyên (chợ Mỗ) và Lạc Thọ đình. Ông cũng góp tiền bắc cầu Thiên Khánh qua sông Nhuệ và mở rộng con đường đến làng Cót. Ông còn góp tiền dựng lại và soạn bài minh khắc trên chuông đồng, khánh đá ở ngôi chùa cổ Trùng Quang Tự.

Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương viết: “Ông là người khoan hậu trầm tĩnh. Ngày thường, thù tiếp ai thì dễ dàng vui vẻ. Khi bàn luận trước mặt chúa, việc gì chưa thỏa đáng, ông có giữ ý kiến mình, bàn đến ba, bốn lần không ai ngăn được. Ông làm văn không cần trau chuốt mà ý sâu. Triều đình có chế tác gì lớn phần lớn do tay ông thảo. Ông làm tể tướng 10 năm, về chính sự chuộng khoan hậu, đám hậu tiến phần nhiều do ông cất nhắc. Việc sửa sang hậu cung, dựng bia tiến sĩ đều mình ông trông coi cho đến lúc xong. Bàn đến ông thì ai cũng khen”.

Kiến trúc

Nhà thờ họ Nguyễn Quý nhìn về hướng nam qua nghi môn và bình phong, trước mặt có 4 cây muỗm già trồng ở 4 góc ao bán nguyệt. Năm 2013, 4 cây này được Hội Bảo vệ tài nguyên và môi trường Việt Nam công nhận là “Cây Di sản Việt Nam”. Từ đường 7 gian, gồm 2 nếp nhà xây song song theo hình “chữ Nhị”.

Dọc theo sân trước có 2 cửa ngách và 2 dãy nhà 5 gian. Trong tả mạc có 3 tấm bia đá mang niên đại cuối thời Lê, ghi công đức các cụ Nguyễn Quý Đức, Nguyễn Quý Ân và Nguyễn Quý Kính. Trong hậu cung đặt các ngai thờ, lại có một ống bằng gỗ treo ở bên cạnh để đựng tranh thờ, chỉ vào ngày giỗ mới mở ra để hành lễ. Riêng cụ Nguyễn Quý Ân do mất sớm nên không có tranh thờ.

Lưu ý

Hiện trong nhà thờ họ còn lưu lại bức vẽ Nguyễn Quý Đức dáng người cao lớn, hiền hậu nhưng y phục như một người dân thôn quê bình dị, không đội mũ cánh chuồn, áo chầu vắt ở bên cạnh. Hàng năm các hậu duệ dòng họ Nguyễn Quý tổ chức lễ Xuân tế vào ngày mùng 9 tháng Giêng âm lịch. Rằm tháng Hai vào ngày hội đình, dân ba làng An Thái, Phú Thứ và Huyền Phố thường đến nhà thờ này làm lễ tạ ơn, sau đó tham gia nhiều trò chơi dân gian truyền thống, hấp dẫn nhất là trò kéo lửa thổi xôi.

Nguồn tin: http://vanhien.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay27,931
  • Tháng hiện tại265,891
  • Tổng lượt truy cập28,059,373
Banner trai
Banner phai
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây