Tập Đoàn Họ Nguyễn
HỆ THỐNG KẾT NỐI CÁC TRANG TIN CỦA HỌ NGUYỄN VIỆT NAM
  Trang tin này được lập ra với mục đích duy nhất là kênh kết nối với các trang chi tộc Nguyễn Việt Nam. Tìm hiểu lịch sử cội nguồn, ca ngợi những giá trị, công lao, tấm gương của anh linh tiên tổ, của các bậc tiền nhân từ đó tạo sự kết nối và hiểu biết thế sự về dòng họ Nguyễn cho hậu thế. Không mục đích chính trị, kinh doanh, vụ lợi. Với tất cả sự nhiệt tâm của ban quản trị... Trong quá trình xây dựng có thể còn sai sót , không phù hợp hoặc chưa đầy đủ, Ban quản trị rất mong bạn đọc thiện nguyện, nhiệt tình, đồng tâm góp ý, cung cấp các thông tin, bài viết, các tư liệu và địa chỉ của các trang chi tộc cùng chung sức với chúng tôi để bổ xung, chỉnh sửa cho trang kết nối của dòng họ Nguyễn được hoàn thiện hơn. Chân thành cảm ơn!   ..

CA KHÚC HỌ NGUYỄN: DŨNG TƯỚNG NGUYỄN TRI PHƯƠNG

Thứ tư - 09/03/2016 06:58

Nguyen Tri Phuong

Nguyen Tri Phuong
Hiếm có những danh tướng triều Nguyễn nào đã qua tuổi "cổ lai hy" mà vẫn chưa được nghỉ ngơi vì nước Nam lúc bấy giờ cần ông trấn giữ "Bắc Thành", tức Hà Nội ngày nay. Trong trận phá thành Hà Nội của Pháp năm 1783, ông bị thương và bị bắt. Theo "Đại Nam thực lục", người Pháp đem cháo và thuốc cho ông, ông đều phun nhổ cả ra, cam tâm chịu đói, chứ không chịu đầu hàng.
Tác Giả: Tâm Thơ, Ngô Nguyễn Trần
Hòa Âm: Nhạc sĩ Lê Huỳnh
Trình Bày: Huỳnh Lợi - Nhóm Sức Sống Mới


Con đường xuyên qua thành cổ Hà Nội - nơi ngày nào Nguyễn Tri Phương tuẫn tiết - hôm nay được mang tên ông. Đó cũng chính là sự tri ân của người dân Hà Nội đối với một danh tướng có nhiều công lao với dân tộc.

Nguyễn Tri Phương sinh năm Thân (1800). Thành phần xuất thân của ông không thuộc dòng quý tộc khoa bảng mà từ trong tầng lớp bình dân, làm ruộng và thợ mộc. Dựng sự nghiệp từ đôi bàn tay trắng, ông đã trưởng thành từ thực tế cuộc sống. Năm 23 tuổi, ông được Hoàng đế Minh Mạng bổ nhiệm một chức quan nhỏ: Điển Bộ trong Nội Điện.

Thế rồi, bằng sự nỗ lực vượt bậc, ông đã được thăng tiến khá nhanh và kinh qua nhiều trọng trách: 32 tuổi tham gia Phái bộ đàm phán thương mại với Trung Quốc. Sau đó, ông được giao phụ trách Thị Lang ở Bộ Lễ, làm công việc nghi lễ. Song, thiên mệnh của ông không nằm ở ngành văn mà là ngành võ.

Năm 1835, ông đã được cử vào vùng đất mới phương Nam là Gia Định dẹp loạn, khai hoang mở rộng bờ cõi. Năm 1840, ông được Vua Minh Mạng cử làm Tuần phủ Nam Nghĩa, trông coi việc phòng thủ cửa biển Đà Nẵng, một trong những cửa biển hiểm yếu, sát nách kinh đô của Vương triều Huế. Sau đó, ông được nhà vua điều vào phương Nam lần nữa, làm Tổng đốc Long Tường (Vĩnh Long, Định Tường) để dẹp tan giặc cướp nước ngoài, rồi Tổng đốc An Hà (An Giang, Hà Tiên) đánh tan quân Xiêm, ổn định miền Tây đồng bằng sông Cửu Long. Vì thế, ông đã được Vua Thiệu Trị tặng danh hiệu "An Tây Trí Dũng Tướng", được phong tước Tráng Liệt Tử, được khắc công trạng vào bia Võ Miếu trong Kinh thành Huế.

Cũng vì yêu mến ông, Vua Tự Đức đã ban cho ông cái tên Nguyễn Tri Phương (vốn tên tục của ông là Nguyễn Văn Chương). Năm Nguyễn Tri Phương 53 tuổi, ông được phong chức Kinh Lược Sứ Nam Kỳ, công đầu trong việc khai hoang, lập đồn điền, giúp dân miền sông nước Cửu Long được an cư, lạc nghiệp.

Năm 1858, thực dân Pháp nổ phát súng đầu tiên xâm lược Việt Nam vào "Đà Nẵng Hải Khẩu". Thế mới biết, Đà Nẵng luôn là yếu huyệt, là đột phá khẩu của nhiều đội quân xâm lược. Thảo nào mà hơn một thế kỷ sau đó, lịch sử lặp lại: Đà Nẵng một lần nữa lại là mảnh đất đầu tiên đương đầu với quân xâm lược Mỹ.

Lập tức, nhà Nguyễn cử Nguyễn Tri Phương trở lại Đà Nẵng chỉ huy chống quân xâm lược Pháp. Một số đồn lũy cửa biển bị phá, nhưng quân Pháp cũng không thể tiến sâu hơn vào đất liền, một phần nhờ vào sự phòng thủ hải cảng tốt của quân ta. Không bước qua được tuyến Đà Nẵng, quân Pháp chuyển vào Nam đánh thành Gia Định và hạ được thành. Nguyễn Tri Phương lại một lần được cử vào chống giặc, xây dựng đại đồn Chí Hòa. Mặc dù quân ta chống giữ quyết liệt, nhưng cuối cùng Chí Hòa bị thất thủ, buộc triều đình Huế phải ký hòa ước với Pháp và mất 3 tỉnh miền Đông Nam bộ.

Năm 63 tuổi, ông được cử ra Bắc kỳ dẹp loạn quân Cờ đen Lưu Vĩnh Phúc và quân Cờ trắng, Cờ vàng từ bên kia biên giới sang cướp phá Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng. Vua Tự Đức lại phong cho ông chức Khâm Mạng Đại Thần, toàn quyền dẹp giặc xứ Bắc.

Năm ông 71 tuổi, cái tuổi xưa nay hiếm, lẽ ra ông được cáo lão về quê, nhưng Vua Tự Đức vẫn đặt trọn niềm tin giao cho ông trọng trách Khâm Mạng Đại Thần. Sử nhà Nguyễn còn chép lại,
đình thần trong triều ca ngợi ông "Nguyễn Tri Phương oai vọng vốn lừng lẫy", nhưng tuổi già, dâng sớ mong Tự Đức cho rút về Kinh đô. Tuy nhiên, Vua vẫn cảm thấy vai trò không thể thiếu được của ông trong các trận tiền ở cả 3 miền Nam, Trung, Bắc.

Vua xem sớ bảo rằng: "Nguyễn Tri Phương đã khó nhọc lâu ngày ở ngoài, ta vẫn nghĩ thương đến, nhưng ta nghe thấy binh, dân ở nơi quân thứ, đều nương tựa, trông cậy vào viên ấy, mà viên ấy cũng lấy việc chưa đánh xong giặc làm trách nhiệm của mình, chưa tiện triệu về". Thế mới biết, đất nước không thể thiếu Nguyễn Tri Phương và ông cũng tận trung với nước xiết bao. Vua Tự Đức cũng đã có lần xót xa cho viên tướng già của mình. Theo Đại Nam thực lục: "Vua thấy quan đại thần Nguyễn Tri Phương khí sắc không được như lúc về, Vua bảo rằng: Nghe nói ngươi chăm chỉ khó nhọc, suốt đêm không ngủ, nay việc nhiều, lo chăm cũng nên có tiết độ".

Làm tướng giỏi, ông lại còn là vị đại thần hiểu rõ nhân tài là nguyên khí quốc gia, qua lời khen của Vua Nguyễn: "Ngươi vốn là người công bằng, trung trực có tiếng, cất, bỏ nhân tài, làm cho quan lại trong sạch, khiến cho trong ngoài đều được người giỏi để giúp cho được việc".

Năm Nguyễn Tri Phương 73 tuổi, quân Pháp mở cuộc tấn công Hà Nội lần thứ nhất vào sáng ngày 20 tháng 11 năm 1873, dưới sự chỉ huy của Đại úy Garnier, đội quân ô hợp vẻn vẹn có hơn 300 lính cùng với 2 pháo thuyền, đã chiếm được Bắc Thành. Đạn từ thuyền Pháp bắn vỡ Cửa Nam. Hơn 2.000 quân nhà Nguyễn trang bị gươm, giáo thô sơ, thua trận bởi vũ khí tân tiến của giặc. Nguyễn Tri Phương bị trúng đạn, con trai ông là Nguyễn Lâm bị tử trận. Sau một tháng tuyệt thực, ông đã mất ngày 20 tháng 12 năm 1873, để lại câu nói bất hủ "Bây giờ nếu ta chỉ gắng lây lất mà sống, sao bằng thung dung chết về việc nghĩa".

Bắc Thành - Hà Nội thất thủ, gươm giáo không đọ được với đạn pháo chiến thuyền. Thất bại này một phần cũng do nhà Nguyễn không đánh giá đúng thời cuộc. Ngay từ năm 1858, Pháp đánh Đà Nẵng với vũ khí hiện đại hơn, lẽ ra, nhà Nguyễn phải lấy đó làm bài học, kịp hiện đại hóa vũ khí quân đội. Thế nhưng, chính sách bấy giờ là "bế quan tỏa cảng" tự biến nước Việt thành một ốc đảo. Đến nỗi, khi Garnier đánh úp, quân Nguyễn chỉ có một ít súng hỏa mai mà cũng không được huấn luyện để sử dụng.

Tuy Hà Thành thất thủ, nhưng nhân dân Hà Nội và miền Bắc vẫn không chịu khuất phục, liên tục nổi dậy. Số phận Garnier cũng bị giết trong một trận phục kích tại Cầu Giấy. Một năm sau, Pháp buộc phải trả lại thành Hà Nội cho nhà Nguyễn.

Nhân dân Hà Nội vô cùng tiếc thương về sự tuẫn tiết của Nguyễn Tri Phương và đã thờ ông tại đền Trung Liệt ở Gò Đống Đa. Điện thờ ông cũng được đặt trên Vọng Lâu thành Cửa Bắc - nơi mà 9 năm sau khi ông chết, quân Pháp lại đánh thành Hà Nội lần thứ hai, vết đạn lõm vào tường thành nay vẫn còn in dấu.

Nguyễn Tri Phương không phải là người Hà Nội, nhưng dấu ấn của ông để lại Hà Nội khá sâu đậm. Ông là người con của miền Trung xứ Huế, nhưng đã trở thành một dũng tướng lặn lội đánh trận khắp ba miền đất nước; giữ nhiều trọng trách trong ba triều Vua Nguyễn, nhiều lần bị thương giữa trận tiền. Ông cũng không ít lần bị gièm pha, bị giáng chức, nhưng trước họa xâm lăng, nhân dân ta vẫn cần đến ông, Vương triều Nguyễn không thể bỏ ông. Ông vẫn luôn tận trung tận lực với nước, cống hiến cho đến khi tàn lực vào cái tuổi 73.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay23,867
  • Tháng hiện tại781,985
  • Tổng lượt truy cập26,587,307
Banner trai
Banner phai
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây